Theo quy định hiện hành, mức hưởng lương hưu được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động có tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao và số năm đóng dài nên khi nghỉ hưu có mức hưởng lương hưu khá cao. Ngược lại, các trường hợp do mức đóng thấp và thời gian đóng ngắn nên sẽ có mức hưởng lương thấp khi về hưu.
VẪN CÓ DOANH NGHIỆP “LÁCH” LUẬT ĐỂ GIẢM TIỀN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 người đang hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng trở lên. Các trường hợp này đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực hưởng ở mức cao, hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận thực tế, giai đoạn trước năm 2007 số tiền đóng bảo hiểm xã hội không bị giới hạn mức trần, các lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là công ty liên doanh với nước ngoài có mức đóng bảo hiểm xã hội rất cao.
Tuy nhiên, nhóm được đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở lương cao không nhiều, chủ yếu người giữ vị trí chủ chốt, lãnh đạo của doanh nghiệp, còn đa số người lao động của doanh nghiệp cũng chỉ đóng theo lương cơ bản.
Điều này dẫn tới sự so sánh, tạo cảm giác mất công bằng ở cả đóng và hưởng chế độ, và làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp. Trong khi đó, Quỹ bảo hiểm xã hội bản chất là an sinh cơ bản, Nhà nước bảo hộ ở mức cơ bản. Vì vậy, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực đã quy định mức trần lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung, hoặc lương cơ sở.
Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bao gồm cả lương và các phụ cấp. Mặc dù vậy, qua ghi nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội, một số doanh nghiệp vẫn “lách” luật, chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ để trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội.
Mức thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.
Đơn cử trường hợp bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1962) có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm 3 tháng, tỷ lệ hưởng lương hưu là 61%. Tuy nhiên, bà N. có đến 2/3 thời gian quá trình tham gia bảo hiểm xã hội với mức tiền lương thấp.
Có nhiều năm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của bà N. chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng, nên khi nghỉ hưu vào tháng 5/2017, bà N. có mức lương là 1.074.586 đồng. Trải qua các lần điều chỉnh lương hưu của Chính phủ, đến tháng 6/2023, số tiền hưu mà bà N. được lĩnh cũng chỉ tăng lên 1.600.300 đồng.
CẦN HÀI HÒA 3 LOẠI THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trước những thực tế như trên, để tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động khi nghỉ hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất sửa đổi, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để hài hòa 3 loại thu nhập của người lao động và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập này làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của người lao động để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả. Tuy nhiên, nội dung này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Cũng để cải thiện mức lương hưu của đa số người lao động, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất (vùng 1) do Chính phủ công bố (cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất).
Để gia tăng thu nhập cho người về hưu, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, phần tham gia này sẽ do người lao động và người sử dụng lao động tự nguyện đóng góp, doanh nghiệp quản lý và đầu tư theo quy định của pháp luật, Nhà nước không can thiệp vào mức đóng, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả.
Thống kê của Bộ Tài chính, đến nay đã có 4 doanh nghiệp là các công ty quản lý quỹ có năng lực tài chính tốt trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Trong đó, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam hiện triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 73,5 tỷ đồng và 217 người tham gia; Công ty quản lỹ quỹ đầu tư MB triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng hơn 11,1 tỷ đồng và 673 người tham gia; 2 đơn vị còn lại là Công ty quản lỹ quỹ SSI và Công ty quản lý quỹ Vietcombank đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.
Hiện cả nước đang có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, từ ngày 1/7 thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8% cho người hưởng. Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm, cụ thể: Người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.