Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt.
Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ USD.
NHÓM DU KHÁCH ĐẶC THÙ VÀ CHI TIÊU CAO
Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ” vào cuối năm ngoái, ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Qatar cho biết, khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Arab Saudi, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain, là thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày. Khách du lịch từ khu vực Trung Đông ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được ngành du lịch Việt Nam quan tâm nhiều. Tháng 12/2022, lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam, một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo. Con số này so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại thì quả là muối bỏ bể.
Tại TP.HCM , hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có ba thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện. Khu vực Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, hay đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt thì nhà hàng Halal và phòng cầu nguyện dường như chưa có, chỉ trừ một số ít thánh đường Hồi giáo mà khách du lịch có thể nhận được sự phục vụ.
Chính vì điều này mà khách quốc tế theo đạo Hồi đến Việt Nam còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến TP.HCM) cho đến trước dịch Covid-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách.
Trong khi đó, theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo Toàn cầu 2022 của Xếp hạng MasterCard-Crescent, Thái Lan đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia không theo đạo Hồi được khách du lịch Hồi giáo ưa chuộng, sau Malaysia, Singapore và Vương quốc Anh. Theo ông Athuek Phrasenmoon, phụ trách Bộ phận phát triển thu hút du khách thuộc Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, trong số 11,8 triệu du khách quốc tế tới Thái Lan năm ngoái, có hơn 400.000 khách đến từ khu vực Trung Đông, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi tiêu của nhóm du khách này cũng tăng 71% so với năm 2019.
CẦN ĐẦU TƯ ĐỂ KHAI THÁC HẾT TIỀM NĂNG
Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung”, đại diện hơn 100 doanh nghiệp du lịch khách sạn, nhà hàng, lữ hành, các khu, điểm du lịch tại 3 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp đổi mới cách tiếp cận thị trường khách Hồi giáo, nâng tầm dịch vụ, ẩm thực, kết nối nhiều đường bay…
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho rằng ngành du lịch đang mở rộng, đa dạng khách thị trường quốc tế, trong đó khách từ thị trường Hồi giáo đóng vai trò quan trọng. “Thị trường người theo đạo Hồi đi du lịch nước ngoài sẽ rất lớn. Đây là tiềm năng để Đà Nẵng có thể khai thác để trở thành thị trường mới cho đối tượng khách này”, ông Bình nói.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy cho biết, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung sau đại dịch đã kết nối mạnh mẽ với các nước Đông Nam Á, Trung Đông trong đó các quốc gia có tỉ lệ người Hồi Giáo cao như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ,…
Việc sớm mở lại các đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Singapore, Malaysia, Ấn Độ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho lượng khách du lịch các nước tới Đà Nẵng tăng trưởng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, đã có nhiều đường bay quốc tế trực tiếp từ Malaysia, Singapore đến Đà Nẵng do các Hãng hàng không Malindo, Air Asia, Singapore Airlines khai thác.
Tuy nhiên, đối với ngành du lịch miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, để thực sự thu hút một lượng lớn khách du lịch này cần làm nhiều việc. Đó không chỉ là thức ăn theo chuẩn Halal mà còn dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách này. Một số doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng đồng tình rằng trong khu vực miền Trung, Đà Nẵng được xem là nơi có nhiều sản phẩm và dịch vụ quốc tế đa dạng nhất nhưng lại có hạn chế cho thị trường Hồi giáo. Nhà hàng Halal, nơi cầu nguyện, dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn… đều còn thiếu trầm trọng.
Theo bà Marina Muhamad, Giám đốc phát triển du lịch thuộc Trung tâm Du lịch Hồi giáo Malaysia, hiện nay cộng đồng khách du lịch theo đạo Hồi có xu hướng lên mạng để tìm hiểu trước điểm du lịch. Họ ưu tiên những nơi có nhiều hoạt động du lịch bền vững, sạch sẽ, vệ sinh, hướng đến sức khỏe, trải nghiệm và đặc biệt có sự trân trọng văn hóa Hồi giáo.
Do đó, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cần quan tâm hơn đến các dịch vụ sử dụng của người Hồi giáo, có các khu vực cầu nguyện vì người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần 1 ngày, cần có sự giao thương quốc tế, quảng bá hình ảnh thân thiện với người Đạo hồi và chú trọng các món ăn đúng với thực phẩm Halal.
Theo đại diện một doanh nghiệp làm du lịch lâu năm tại Đà Nẵng, xu hướng du lịch trải nghiệm, hướng đến sức khỏe và bền vững là khá phổ biến hiện nay, có thể đáp ứng được, nhưng để nhân rộng những mô hình trên kèm với những sản phẩm, dịch vụ đặc thù dành cho người Hồi giáo thì lại không dễ. Đầu tư nhân rộng nơi cầu nguyện và nhà hàng đảm bảo chất lượng thực phẩm Halal là hai trong số những thách thức.
Vì vậy để có thể thực sự tận dụng tiềm năng từ những du khách này, cần sự hợp tác từ các lãnh đạo quản lý điểm đến tại địa phương đến các doanh nghiệp quan tâm, nhằm xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp dòng khách du lịch đặc thù này trong tương lai.