TP.HCM đã đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
ĐỀ ÁN TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ THÀNH PHỐ
Đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong 49 chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế TP.HCM.
Theo Đề án này, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có của TP.HCM, Thành phố cần có bảy trung tâm logistics đạt chuẩn với năng lực thông qua hàng hoá (TEU) của các trung tâm logistics.
Cụ thể, Trung tâm Logistics Long Bình khoảng 2.500.000 - 3.000.000 TEUs, Trung tâm Logistics Cát Lái từ 3.100.000 - 3.500.000 TEUs, Trung tâm Logistics Linh Trung khoảng 480.000 - 520.000 TEUs, Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao SHTP khoảng 300.000 TEUs, Trung tâm Logistics Tân Kiên từ 450.000 - 500.000 TEUs, Trung tâm Logistics Củ Chi khoảng 282.150 - 319.770 TEUs, và Trung tâm Logistics Hiệp Bình Phước 1.430.000 - 1.600.000 TEUs.
Để đạt được mục tiêu trở ngành kinh tế mũi nhọn theo lộ trình nói trên, TP.HCM phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, cho biết với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TP.HCM vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất cả nước. Song song, với vai trò là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu và động lực phát triển kinh tế của cả nước, TP.HCM luôn ý thức rất rõ “mỗi một bước đi của mình đều có sự tác động, lan tỏa đến sự tăng trưởng không chỉ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn đối với cả nước.
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, CHÌA KHÓA “GIẢI PHÓNG NĂNG LƯỢNG” NGÀNH LOGISTICS
Tại Diễn đàn Logistics TP.HCM lần thứ I năm 2022 (HCMC Log 2022) với chủ đề “Vị thế Logistics của TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực” diễn ra mới đây, Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện nay, cả nước có 699.566 doanh nghiệp logistics và liên quan logistics, trong đó TP.HCM chiếm 31%, tương đương chừng 216.865 doanh nghiệp.
Nhu cầu nhân sự logistics mỗi năm tăng khoảng 7,5%. Riêng TP.HCM cần khoảng 63.000 lao động logistics/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành logistics nói chung, các hoạt động dịch vụ logistics nói riêng, chính là nguồn nhân lực và nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nêu vấn đề: Để tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn logistics và bảo đảm những mục tiêu đã đề ra, cần tiếp cận logistics ở góc độ tổng thể với các hoạt động đa dịch vụ vận tải, kho bãi, đóng gói, kiểm định, giao nhận hàng hóa,… trong chuỗi cung ứng từ khâu chuyên chở nguyên vật liệu đến từng nhà máy sản xuất đến vận chuyển toàn bộ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực logistics, ông Tú cho biết TP.HCM xác định hai nhiệm vụ chiến lược đồng thời, là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ nhằm bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để có được đội ngũ và chất lượng nguồn nhân lực ngang bằng trình độ quốc tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để đào tạo lao động.
Cùng với điểm nghẽn về nhân lực là điểm nghẽn về hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là cốt lõi của hạ tầng logistics nói chung. TP.HCM với lợi thế về địa lý là “giao điểm” giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã từ khẳng định: “Giao thông phải đi trước, mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội, từ đó mở “mũi giao thông” cho sự phát triển của Thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ, dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước”.
Theo Đồ án quy hoạch giao thông vùng TP.HCM đã được phê duyệt, hệ thống giao thông đường bộ gồm sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 353 km. Đến nay chỉ mới 2/6 tuyến cao tốc đã hoàn thành (cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), một tuyến đang xây dựng là cao tốc Bến Lức - Long Thành. Các tuyến vành đai gồm đường Vành đai 2 còn đang khởi động, đường Vành đai 4 đang công tác chuẩn bị. Các tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả giao thương hàng hóa hai chiều giữa Thành phố với các tỉnh.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia logistics, để khơi thông nguồn lực logistics, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được tổng hòa lợi ích.
Nêu một gợi ý cho công tác đào tạo, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp Hội Logistics TP.HCM (HLA) cho rằng các trường đào tạo logistics, cần xây dựng giáo trình đào tạo về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc gia. Chú trọng thu hút tuyển sinh ngành logistics để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành đồng thời liên kết với các doanh nghiệp logistics giúp sinh viên tham gia trãi nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp và ký kết chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng như cầu của doanh nghiệp.
Ngành logistics chiếm khoảng 8,9% GRDP của TP.HCM. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 là 73,15 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ và chiếm 19.7% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng 7,34% giai đoạn 2015 - 2020 và dự kiến tăng trung bình 5% trong giai đoạn 2021 - 2025 (Số liệu của Hiệp hội Logistics TP.HCM).