Bội Nội vụ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới về bảo hiểm xã hội.
Trong đó, có nội dung triển khai Nghị quyết số 78/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành (1/7/2025).
Nghị quyết số 78/2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 45, ngày 17/5/2025, quyết nghị: Ghi nhận thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2025, để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chủ hộ kinh doanh đã đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thì được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Để triển khai thực hiện quy định này, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện việc thông báo đến toàn bộ chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2025 về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, thực hiện ghi nhận thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/7/2025, và kịp thời giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đối với các chủ hộ kinh doanh đã đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chủ động giải quyết những vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, hoặc tổng hợp, nghiên cứu đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.
Về các nội dung mới khác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu quản lý để thực hiện việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024 theo đúng quy định.
Thứ hai, phối hợp với đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nội vụ biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội. Thực hiện phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến người lao động và người sử dụng lao động về các quy định mới của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội.
Rà soát, hoàn thiện, cập nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Hoàn thiện việc kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội với các cơ sở dữ liệu khác.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc khai thác, tái sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội từ giao dịch bằng bản giấy, sang giao dịch điện tử. Việc này cần đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Đảm bảo 100% thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Chậm nhất là ngày 1/1/2026, thực hiện cấp sổ bảo hiểm xã hội bằng bản điện tử.