Ngày 11/5/2025, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Quốc gia Bảo Sơn 2024 đã diễn ra trang trọng. Sự kiện quy tụ các quan khách trong và ngoài nước, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện báo chí. Giải thưởng Quốc gia Bảo Sơn, do Quỹ Giáo dục Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, là một trong những giải thưởng uy tín nhất Việt Nam, nhằm tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có đóng góp nổi bật cho sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và con người.
Năm 2024, Hội đồng xét chọn, bao gồm các nhà khoa học hàng đầu như GS.TS. Mai Trọng Nhuận, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, TSKH. Phan Xuân Dũng và GS.TS. Trần Thọ Đạt đã đánh giá và chọn ra bốn công trình xuất sắc thuộc các lĩnh vực: Khoa học sức khỏe, Công nghệ kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn, Bảo vệ vật nuôi và môi trường.
VINH DANH CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC XUẤT SẮC
Để đảm bảo tính khách quan, những công trình đạt giải phải được sự nhất trí cao của hội đồng sơ khảo và chung khảo, với sự tham gia phản biện độc lập của các nhà khoa học nổi tiếng công minh, liêm chính. Tiêu chí đánh giá công trình đoạt giải phải có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đã được ứng dụng hiệu quả; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và con người Việt Nam; khuyến khích các ý tưởng đổi mới, sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Giải thưởng Quốc gia Bảo Sơn năm 2024 đã vinh danh bốn nhà khoa học với các công trình nghiên cứu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, với công trình “Nghiên cứu và sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (AVAC ASF LIVE)”, đóng góp trong lĩnh vực.Bảo vệ vật nuôi và môi trường.
"Mỗi công trình đạt giải được nhận phần thưởng trị giá 120.000 USD (khoảng 3,1 tỷ đồng), cùng cúp vàng và chứng nhận. Với triết lý “Tất cả vì nâng cao chất lượng cuộc sống của con người”, Giải thưởng Bảo Sơn nhằm tôn vinh các công trình có giá trị khoa học cao và ứng dụng thực tiễn hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam".
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.
PGS.TS. Trần Ngọc Lương, với công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”, đóng góp trong lĩnh vực Khoa học sức khỏe.
GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, với công trình “Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozite ba pha tiên tiến trong kỹ thuật”, đóng góp trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật.
GS.TS. Furuta Motoo, Trường Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, với công trình “Lịch sử chính sách dân tộc của những người Cộng sản Việt Nam”, đóng góp trong Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Đáng chú ý, GS.TS. Furuta Motoo là nhà khoa học nước ngoài đầu tiên được trao Giải thưởng Quốc gia Bảo Sơn.
Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn, nhấn mạnh: “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển. Giải thưởng là bệ phóng để lan tỏa những cống hiến xuất sắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Giải thưởng Bảo Sơn sẽ được duy trì phát triển trong nhiều thập kỷ mai sau, giá trị của các giải thưởng sẽ được tiếp tục nâng lên và mỗi năm tăng 10.000 USD cho mỗi giải. Dự tính đến cuối thể kỷ 21, mỗi giải thưởng sẽ nâng lên 1 triệu USD, nghĩa là kinh phí dành cho giải thưởng hàng năm là 5 triệu USD”.
INDONESIA MUA 500 LIỀU VACCINE ASF
Trong số bốn công trình xuất sắc được vinh danh, công trình nghiên cứu và sản xuất vaccine Dịch tả lợn châu Phi (ASF) AVAC ASF LIVE của Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo vệ vật nuôi và môi trường, mang lại giá trị thực tiễn to lớn cho ngành chăn nuôi và kinh tế – xã hội.
Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng Bảo Sơn, TS. Nguyễn Văn Điệp cho biết cảm thấy rất xúc động, tự hào và đây là động viên rất lớn lao, Bảo Sơn là giải thưởng uy tín cả trong và ngoài nước, đánh giá ứng dụng của các công trình khoa học trong thực tiễn.
TS. Nguyễn Văn Điệp cũng thông tin, cùng với việc vaccine AVAC ASF LIVE đã được xuất khẩu sang Philippine từ năm 2024, kế hoạch trong tháng 5/2025 sẽ xuất khẩu 100.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE sang Indonesia.
“Indonesia đã chính thức cho lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE của AVAC vào ngày 23/4/2025 và quyết định cho đơn vị nhập khẩu vào ngày 25/4/2025. Dự kiến tháng 5/2025, Indonesia sẽ nhập khẩu 100.000 liều đầu tiên và trong cả năm 2025 là 500.000 liều”, ông Điệp cho hay.

Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, AVAC ASF LIVE là vaccine đã ra thị trường, có đầu tư chất xám và ứng ứng dụng thực tiễn. Giải thưởng là cơ sở củng cố niềm tin cho người chăn nuôi sử dụng vaccine để phòng bệnh ASF, vì hiện nay có nhiều thông tin khác nhau làm cho nhận thức về vaccine chưa đầy đủ, chính xác. Điều này khiến người chăn nuôi đang bị thiệt hại nhiều khi không sử dụng vaccine vào chăn nuôi, đó là điều rất tiếc. Tất nhiên, vaccine là công cụ hiệu quả nhưng không phải là "áo giáp" hoàn hảo.
“Giải thưởng cũng là cơ sở giúp cho các nước đang có nhu cầu tiêm vaccine ASF mạnh dạn hơn. Bởi vaccine AVAC ASF LIVE không chỉ được kiểm định, công nhận bởi cơ quan nhà nước, mà còn được xét duyệt được bởi hội đồng độc lập, uy tín, khách quan”. TS. Nguyễn Văn Điệp nhấn mạnh.
Dự án phát triển vaccine AVAC ASF LIVE không chỉ là một công trình nghiên cứu mà còn là bệ phóng cho thế hệ trẻ đam mê ngành thú y, sinh học và công nghệ sinh học. Tại AVAC, nhiều sinh viên đã được tham gia thực tập, học hỏi và đóng góp trực tiếp vào quá trình nghiên cứu và sản xuất. Những trải nghiệm thực tiễn này không chỉ nâng cao chuyên môn mà còn khơi dậy đam mê, giúp các bạn trẻ tự tin khẳng định năng lực và xây dựng sự nghiệp trong tương lai.
Vaccine AVAC ASF LIVE là minh chứng cho sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của TS. Nguyễn Văn Điệp và đội ngũ tại Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Công trình không chỉ góp phần kiểm soát dịch bệnh, phục hồi ngành chăn nuôi mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với những đóng góp vượt trội, AVAC ASF LIVE hoàn toàn xứng đáng được vinh danh tại Giải thưởng Bảo Sơn 2024, trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục cống hiến vì một tương lai bền vững.