Phát biểu tại Tọa đàm “Tiêu chuẩn lao động quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam” do CIEM tổ chức ngày 17/10, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng các quốc gia phát triển đang đặt ra rất nhiều tiêu chí về bền vững, môi trường và lao động… Đây có thể là hàng rào kỹ thuật "cản" hàng của ta nhưng ở góc độ khác, những quy định này lại thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
“Nói thì đơn giản như vậy nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có nguồn lực để tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong khi doanh nghiệp Việt thì hạn chế. Vì vậy, vấn đề hiện nay là Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại để giải bài toán tuân thủ, từ đó gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng và xuất khẩu hàng hóa”, ông Cung nêu quan điểm.
FTA “THẾ HỆ MỚI” TĂNG CƯỜNG THỰC THI CAM KẾT TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG QUỐC TẾ
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), trong đó có 04 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”, bao gồm Hiệp định với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh (UKVFTA).
Các FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ đó, năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 bất chất hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ xung đột Ukraine- Nga.
Dù đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam song theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng (CIEM), các FTAs thế hệ mới đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững cũng như lao động. Dù mức độ cam kết về lao động của các hiệp định là khác nhau song đều ràng buộc thực hiện.
Cùng với đó, các quốc gia phát triển cũng đang từng bước nội luật các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đơn cử như Đạo luật của Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng áp dụng từ 1/1/2023 hay Hạ viện châu Âu đã thông qua Chỉ thị bắt buộc doanh nghiệp có quy mô nhất định sẽ phải thực hiện truy soát chuỗi cung ứng về các trách nhiệm xã hội và môi trường, bao gồm cả các tiêu chuẩn lao động khi nhập khàng hóa và châu Âu.
Tuy các quy định này không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường nhưng theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), vẫn sẽ tạo áp lực tuân thủ lên các doanh nghiệp Việt Nam.
“Việc tăng cường thực thi các cam kết phát triển bền vững thông qua Luật thẩm định trách nhiệm chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp tại nước họ có trách nhiệm truy soát chuỗi cung ứng. Để có thể tiếp cận các thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải chứng minh tuân thủ những tiêu chuẩn phát triển bền vững, trong đó có các tiêu chuẩn lao động quốc tế”, bà Thảo nhấn mạnh.
KHÔNG GIA TĂNG CHI PHÍ MÀ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP
Dù tạo áp lực cho doanh nghiệp Việt nhưng theo quan điểm của bà Thảo, đây là áp lực tốt bởi sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế thì việc tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế là trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp.
“Hơn nữa, các quy định liên quan tới lao động tại Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với các quy định về lao động trong các FTAs, các cam kết quốc tế nên doanh nghiệp không nên quá “hoảng sợ” khi nói về tiêu chuẩn lao động”, bà Liên nói và cho rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ tăng cường vị thế cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vì các đối tác, nhãn hàng nhập khẩu rất quan tâm tới vấn đề này.
Dù việc tuân thủ sẽ làm tăng chi phí thực thi và luôn là thách thức với doanh nghiệp song theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam vấn đề lại nằm ở chỗ các đối tác, các nhãn hàng thậm chí là cả cơ quan quản lý nhà nước cùng “đánh giá đi, đánh giá lại” những tiêu chuẩn trùng lắp do các bên không thừa nhận kết quả đánh giá của nhau.
“Đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI thì có thể không ảnh hưởng nhiều nhưng với phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới tham gia thị trường xuất khẩu thì sẽ rất thách thức và cần sự hỗ trợ”, bà Xuân cho biết.
Từ góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng 75% giá trị xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài là một con số đáng suy nghĩ.
“Nó cho thấy doanh nghiệp nước ngoài tận dụng tốt hơn cơ hội mà các FTAs mang lại hơn là doanh nghiệp trong nước”, ông Cung nói.
Thiếu năng lực, thiếu thông tin… đang là những hạn chế của doanh nghiệp Việt. Vì vậy, để lấp khoảng trống này, vị chuyên gia đề nghị thành lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh theo những nguyên tắc thị trường.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước có thể “thử” cách tiếp cận mới, nghĩa là những doanh nghiệp đã trải qua đánh giá tiêu chuẩn lao động từ các đối tác, nhãn hàng thì Nhà nước có thể miễn hoặc giảm các đợt kiểm tra.
“Có thể áp dụng mô hình doanh nghiệp ưu tiên, nghĩa là đã thông qua đánh giá của các đối tác, nhãn hàng thì cơ quan quản lý nhà nước có thể giảm hay miễn thanh tra, kiểm tra các tiêu chuẩn lao động”, ông Cung đề xuất.