“Chúng tôi rất vui mừng chào đón ông Bjørn Gulden trở lại Adidas. Ông Bjørn Gulden có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng thể thao và giày dép. Cho nên ông hiểu rất rõ về ngành công nghiệp này và thu hút được một mạng lưới phong phú trong lĩnh vực bán lẻ và thể thao. Ông Bjørn Gulden cũng từng làm việc rất thành công 7 năm tại Adidas trong những năm 1990”, ông Thomas Rabe, Chủ tịch Ban Giám sát của Adidas AG, chia sẻ.
“Với tư cách là Giám đốc điều hành của Puma, ông Bjørn Gulden đã tái tạo sức sống cho thương hiệu và dẫn dắt công ty đạt được những kết quả kỷ lục. Ban giám sát của Adidas AG có niềm tin, rằng ông Bjørn Gulden sẽ dẫn dắt Adidas bước vào một kỷ nguyên sức mạnh mới”, ông Thomas Rabe nói thêm và cho biết tạm thời, Harm Ohlmeyer, Giám đốc Tài chính của Adidas AG, sẽ lãnh đạo công ty cho đến ngày 31/12/2022. Ở một diễn biến khác, Puma cho biết Giám đốc thương mại của hãng này là Arne Freundt sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành mà ông Gulden để lại.
Trước đó vài ngày, đã có tin đồn về việc Giám đốc điều hành hiện tại của Puma sẽ được bổ nhiệm vào vị trí tân CEO Adidas. Các nguồn tin cho rằng, Adidas đã liên hệ với ông Bjørn Gulden để thương lượng về việc ông có thể chuyển sang thương hiệu này chỉ vài tuần sau khi ông Kasper Rørsted thông báo kế hoạch từ chức CEO mà ông đã đảm nhiệm tại Adidas từ năm 2016. Ông Gulden cũng được ghi nhận là ứng cử viên duy nhất còn lại sau cuộc tìm kiếm người kế nhiệm cho hãng thời trang thể thao hàng đầu thế giới.
Tân CEO của Adidas 57 tuổi, người Na Uy. Ông từng là một cầu thủ bóng đá và bóng ném chuyên nghiệp. Trước đây, Gulden cũng có giai đoạn từng làm việc tại Adidas với cương vị Phó Chủ tịch cấp cao về quần áo và phụ kiện từ năm 1992 đến 1999. Ông Bjørn Gulden cũng từng là CEO của thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora, CEO của đơn vị bán lẻ giày dép Deichmann, chủ tịch của Rack Room Shoes, chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn bán lẻ thực phẩm Đan Mạch Salling…
Vụ việc này lại một lần nữa nhắc cho ta nhớ “mối thù truyền kiếp “giữa Puma và Adidas, khi mà Adolf và người em trai Rudolf Dassler của ông đường ai nấy đi vào năm 1920. Adolf sau đó xây dựng nên Adidas, còn Rudolf Dassler cũng không kém cạnh gì khi lèo lái con thuyền của PUMA, biến nó thành một trong những đối trọng hàng đầu của Adidas trên thương trường.
Với động thái Giám đốc điều hành của Puma trở thành CEO Adidas, giới chuyên môn cho rằng “đế chế ba sọc” muốn thúc đẩy hơn nữa mục tiêu bền vững của mình. Bởi theo bảng xếp hạng hồi tháng 6 của trang web thời trang Business of Fashion, tập đoàn thời trang thể thao Puma (Đức) được đánh giá là thương hiệu bền vững nhất trong ngành này trong năm 2022.
Puma được chấm nhiều điểm nhất trong cả ba tiêu chí như mức độ sử dụng nước và hóa chất trong sản xuất, quyền lợi người lao động, sự minh bạch. Bên cạnh đó, PUMA đã cải thiện đáng kể lượng khí phát thải trong hoạt động so với năm trước đó. Về tổng thể, PUMA nhận được 49 trên thang điểm 100 của các chuyên gia, cao hơn so với điểm trung bình là 28 điểm.
Giám đốc điều hành Puma Bjørn Gulden khi đó cho biết trong giai đoạn 2017-2021, hãng đã giảm được tới 88% lượng khí phát thải trong hoạt động chung và 12% trong chuỗi cung ứng, trong khi vẫn đạt tăng trưởng doanh thu mạnh trong thời gian này. Để đạt được kết quả này, Puma đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo, chuyển đổi toàn bộ ô tô của công ty từ chạy bằng xăng sang điện, tăng cường sử dụng vật liệu bền vững và tăng năng suất của các nhà máy.
Trong khi đó, những năm gần đây, Adidas cũng đã đạt được bước tiến lớn để tạo ra những sản phẩm bền vững, bao gồm sử dụng nhựa đại dương để sản xuất giày và cam kết 9/10 sản phẩm tung ra thị trường vào năm 2025 là sản phẩm bền vững. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tiến bộ toàn cầu do kênh truyền hình CNBC tổ chức, cựu Giám đốc điều hành Adidas Kasper Rørsted từng chia sẻ rằng người tiêu dùng đang nhìn thời trang với sự xem xét kỹ lưỡng hơn, qua đó buộc ngành công nghiệp này phải thay đổi.
Theo ông Kasper Rørsted, truyền thông xã hội giúp người tiêu dùng dễ dàng yêu cầu các công ty và CEO phải chịu trách nhiệm về hành động của họ và đây là một điều tốt khi đem lại sự minh bạch cũng như thúc đẩy sự thay đổi làm ngành thời trang, vốn tạo ra 8 - 10% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm, phải thân thiện hơn với môi trường.