Sự ra đời của công nghệ 5G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa bối cảnh kỹ thuật số. Khi các quốc gia trên thế giới chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này, phân bổ phổ tần 5G thông qua đấu giá là một trong những phương pháp phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đã tiến hành.
ĐẤU GIÁ BĂNG TẦN RẤT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI VIỆC TRIỂN KHAI MẠNG 5G
Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết các cuộc đấu giá phổ tần có thể sử dụng cho 5G đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, Thái Lan, Australia….
“Thực tế, băng tần 5G đã được các chính phủ phân bổ trực tiếp hoặc thông qua các cuộc thi “beauty contest” ở Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines”, ông Scott Minehane nói và cho biết cuộc đấu giá gần đây nhất là ở Hàn Quốc cho phổ tần số trong băng tần mmWave (phổ 26/28 GHz).
Đấu giá băng tần 5G là các quy trình của chính phủ trong đó quyền truyền tín hiệu trên các băng tần cụ thể của phổ vô tuyến được bán cho các công ty viễn thông. Các cuộc đấu giá này rất quan trọng đối với việc triển khai mạng 5G, hứa hẹn tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và khả năng kết nối đồng thời nhiều thiết bị hơn so với 4G.
Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã bán đấu giá phổ tần cao. FCC đã kết thúc cuộc đấu giá phổ tần 5G đầu tiên ở băng tần 28 GHz; băng tần 24 GHz; và các băng tần 37 GHz, 39 GHz và 47 GHz. Các đơn vị tham gia đấu giá băng tần bao gồm các nhà mạng như Verizon, T-Mobile, and AT&T, công ty truyền hình cáp như Comcast, Charter và Cox ….
FCC cho biết sau 97 vòng đấu thầu, các nhà thầu đã chi tổng cộng 80,9 tỷ USD cho băng tần 5G, tăng 20 đến 30 tỷ USD so với mức dự đoán của hầu hết các nhà quan sát bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đấu giá này đối với các công ty viễn thông.
Trong khu vực ASEAN, các quốc gia như Thái Lan và Singapore đã tiến hành đấu giá phổ tần 5G, mang lại những bài học quý giá cho các quốc gia khác đang lên kế hoạch đấu giá riêng. Cơ quan quản lý viễn thông Thái Lan Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia (NBTC) đã tổ chức cuộc đấu giá phổ tần 5G, huy động được 100,52 tỷ baht (3,2 tỷ USD) vào tháng 3/2020.
Cuộc đấu giá băng tần 5G ở Thái Lan đã diễn ra với nhiều băng tần được đưa ra đấu giá, cho phép các nhà khai thác đảm bảo kết hợp tần số để đáp ứng nhu cầu mạng cụ thể của họ. Thứ hai, cuộc đấu giá bao gồm nhiều vòng đấu thầu, đảm bảo phân bổ phổ tần hiệu quả. Ngoài ra, các công ty nhà nước cũng lần đầu tiên tham gia đấu giá, đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai 5G của Thái Lan.
NHÀ MẠNG CẦN TÍNH ĐẾN BÀI TOÁN CHI PHÍ ĐẦU TƯ ĐỂ ĐẢM BẢO LỢI NHUẬN
Tại Việt Nam, từ cuối tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500- 2600 MHz và băng tần 3700- 3900 MHz. Theo đó, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5- Quốc gia đã ban hành các thông báo và quy chế đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với 3 khối băng tần B1 (2500-2600 MHz); với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz), C3 (3800-3900 MHz).
Đấu giá băng tần 5G của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 8/3 tới, bắt đầu với khối băng tần B1 (2500-2600 MHz), giá khởi điểm 3.983.257.500.000 tỷ đồng; khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), sẽ được đấu giá vào ngày 14/3/2024 với bước giá 1.956.892.500.000 tỷ đồng; khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) sẽ được đấu giá vào ngày 19/3/2024, giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là 1.956.892.500.000 tỷ đồng.
Là một chuyên gia trong ngành công nghiệp viễn thông, đặc biệt tại các nước châu Á cũng như đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về băng tần và thị trường viễn thông Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, ông Scott Minehane cho rằng giá khởi điểm băng tần 5G ở Việt Nam “lần này rất hợp lý so với cuộc đấu giá thất bại năm ngoái”.
“Giá khởi điểm như vậy thấp hơn đáng kể so với giá khởi điểm được đề xuất cho phổ tần 2.3 GHz chưa được tiến hành vào giữa năm 2023. Ngoài ra, lần này có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz (thay vì 30 MHz) sẽ phù hợp hơn cho dịch vụ 5G”.
Đối với trường hợp của Thái Lan, ông Scott Minehane cho rằng Thái Lan đã tổ chức đấu giá băng tần vào tháng 3/2020 là thời điểm ngay trước đại dịch Covid-19, hơn nữa phí cấp phép phổ tần 5G ở Thái Lan chiếm 40-45% tổng doanh thu ngành viễn thông. Mức giá phổ tần di động cao như vậy đã thúc đẩy sự hợp nhất của ngành tại thị trường Thái Lan với việc DTAC sáp nhập với Truemove Group vào năm 2023. “Mức giá đấu giá băng tần của Thái Lan rất cao và đây không phải là điều Việt Nam nên làm”, ông Scott nói.
Theo ông Scott, với cách tiếp cận đấu giá hợp lý và có nhiều khối băng tần để đấu giá, nhà mạng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Các nhà mạng cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng 5G và cải thiện đường truyền backhaul để hỗ trợ 5G, vì thế cần tính đến bài toán đầu tư để đảm bảo lợi nhuận.
“Thời gian hoàn vốn và đạt lợi nhuận sẽ phụ thuộc một phần lớn vào mức đấu giá cuối cùng và nhu cầu sử dụng dịch vụ 5G của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu mức giá đấu giá thấp hơn và nhu cầu nhiều hơn, thời gian hoàn vốn sẽ ngắn hơn. Ngược lại sẽ mất nhiều thời gian hơn”, chuyên gia Scott cho biết.