August 19, 2023 | 12:11 GMT+7

Giám đốc phân tích của Yuanta: Nhịp chỉnh sớm kết thúc, sóng tăng mới có thể đưa Vn-Index lên 1.415 điểm

An Phong -

Cho 4 tháng cuối năm, VN-Index sẽ bước vào sóng tăng 5. Sóng tăng này có thể bước tới 1.415 điểm, nhưng chúng ta cần phải lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng tình trạng mua đâu thắng đó không còn xảy ra trong sóng 5 này nữa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vn-Index đã có một phiên thảm sát trong cuối tuần khi chỉ số rơi mất 55,49 điểm tương đương 4,5% đóng cửa ở mức 1.177,99 điểm. Đây là mức giảm % lớn nhất kể từ 13 tháng 5 năm 2022 và là mức giảm điểm mạnh nhất kể từ 13 tháng 6 năm 2022. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 36.076 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 42.136,2 tỷ đồng, Tăng 45,1% so với phiên liền trước, tăng 63.7% so với 5 phiên và 64,5% so với 20 phiên trước đó.

Tình trạng bán tháo diễn ra ồ ạt, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân bán ròng 1243 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 1083,5 tỷ đồng.

Nhận định về phiên giao dịch hôm qua tại tọa đàm "Sóng chứng khoán 2023" do Chứng khoán Yuanta tổ chức sáng 19/8, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng nhịp giảm điểm này đã phản ánh dư địa tăng cao trong ngắn hạn của thị trường không còn nữa, gây áp lực chỉnh mạnh.

Kịch bản tiếp theo sẽ diễn ra thế nào? Theo ông Minh, trong trường hợp xấu nhất Vn-Index có thể rơi về vùng 1.125 điểm nhưng trước khi về vùng này thị trường sẽ có mức hỗ trợ gần nhất 1.160 điểm. Kịch bản này được đánh giá với xác suất thấp. 

Cho 4 tháng cuối năm, VN-Index sẽ bước vào sóng tăng 5. Sóng tăng này có thể bước tới 1.415 điểm, nhưng chúng ta cần phải lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng tình trạng mua đâu thắng đó không còn xảy ra trong sóng 5 này nữa.

"Thị trường không có quá nhiều lựa chọn, mua đâu thắng đó của giai đoạn vừa rồi mà sắp tới sẽ bước vào giai đoạn phân hóa rõ nét hơn. Giai đoạn này khó hơn, thanh khoản cũng sụt giảm so với sóng tăng vừa qua dù mức sụt giảm không lớn nhưng chiến lược chọn cổ phiếu khó khăn hơn so với thời điểm vừa qua", Giám đốc phân tích của Yuanta nhấn mạnh và cho rằng nhịp giảm này sẽ sớm kết thúc. Bởi trong xu hướng trung hạn, nếu nhịp giảm lần đầu kéo dài thời gian thì nhịp giảm tiếp theo sẽ nhanh chóng kết thúc. Vn-Index đi ngang và giảm từ 2-4/2023 kéo dài 3 tháng thì đợt này sẽ nhanh chóng kết thúc chứ không kéo dài 3 tháng như nhịp giảm trước đó. 

Nhận định về định giá của thị trường, theo phân tích của ông Minh, mức định giá hiện nay không còn rẻ nhưng chưa phải là vùng rủi ro. So sánh ở thời điểm hiện tại với giai đoạn 2017-2018 mức chênh lệch lãi suất tiết kiệm và VN-Index chưa phải là cao, nên dư địa tăng trưởng vẫn còn trong năm 2023.

Đối với margin, thị trường đang lo ngại tình trạng căng margin tuy nhiên đây chưa phải là mức rủi ro so với giai đoạn trước. Năm 2022, nhiều công ty chứng khoán huy động vốn thành công, nâng vốn sở hữu lên cao, nên hiện tại tỷ lệ margin trên vốn sở hữu dù tăng nhưng vẫn thấp so với quý 2/2022 chính vì thế dư địa margin còn lớn ở thời điểm hiện tại.

Tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên hưng phấn với chứng khoán thể hiện số tài khoản mở mới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta.

Cho cả năm 2023, sẽ có 3 kịch bản được đưa ra cho VN-Index. Kịch bản thứ nhất xác suất kỳ vọng 40% P/E 18x và Vn-Index đạt 1.518 điểm; Kịch bản thứ hai xác suất 50% P/E 15x và Vn-Index đạt 1.265 điểm; Kịch bản tiêu cực xác suất 10% P/E 10x và VN-Index đạt 885 điểm. 

Về triển vọng cổ phiếu, Chứng khoán Yuanta đưa ra 6 nhóm ngành tăng trưởng trong thời gian tới. Nhóm thứ nhất là Chứng khoán với điểm nhấn lãi suất giảm, thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng năm và thanh khoản cải thiện.

Nhóm thứ hai là Hóa chất với điểm nhấn nhu cầu hồi phục và tình trạng thiếu hụt lương thực do tiết cung tại Ấn Độ, thúc đẩy các nước đẩy mạnh sản lượng. Giá hóa chất phục hồi và kỳ vọng duy trì đà tăng trong những tháng cuối năm 2023.

Nhóm thứ ba là Bất động sản: Lãi suất giảm cùng với các biện pháp khôi phục thanh khoản thị trường bất động sản. Cùng với đó là áp lực lớn nhất của trái phiếu bất động sản đã có dấu hiệu giảm dần. FDI hồi phục trong 3 tháng gần đây.

Nhóm tiếp theo là Phần mềm và dịch vụ máy tính duy trì đà tăng trưởng vững chắc; làn sóng chuyển đổi số duy trì và thúc đẩy điện toán đám mây. Nhóm dầu khí và sản xuất phân phối điện cũng được đánh giá tích cực nhờ dự án Block B Ô môn và quy hoạch điện 8. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate