Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
ĐỦ 20 NĂM THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỂ NHẬN LƯƠNG HƯU LÀ QUÁ DÀI?
Vì vậy, trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Trao đổi về đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội muốn hưởng chế độ hưu trí phải đảm bảo 2 điều kiện, đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và đảm bảo có đủ tối thiểu 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều kiện đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là thời gian quá dài, từ đó sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động muộn, có số năm đóng thấp rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí.
Chính vì vậy, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã xác định, sửa đổi điều kiện về hưu theo hướng giảm dần điều kiện tối thiểu để tham gia bảo hiểm xã hội, để được hưởng chế độ lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể giảm thấp hơn nữa.
“Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới, chúng tôi đồng tình với quan điểm này, đây là một trong những giải pháp đảm bảo tăng số lượng người ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội để họ được hưởng chế độ hưu trí. Bởi vì trong các chính sách về bảo hiểm xã hội, có thể nói chính sách hưu trí là chính sách đảm bảo an sinh tốt nhất cho người lao động. Khi còn trẻ tham gia lao động, có tích lũy để về già được hưởng lương hưu”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
GIẢM NĂM ĐÓNG - MỨC LƯƠNG HƯU CẦN ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng có thể khiến mức hưởng lương hưu cũng thấp, ông Lê Đình Quảng cho rằng đây cũng là băn khoăn lớn nhất khi đề xuất chính sách. Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội của chúng ta vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, đặc biệt ở chế độ hưu trí, vì vậy rất nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn và thường về hưu trước tuổi, nên tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp.
Vì vậy, theo ông Lê Đình Quảng, ở lần sửa đổi này cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí, để người lao động có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc nếu hạ xuống còn 15 năm, khi hưởng chế độ hưu trí vẫn có một khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
“Sẽ cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một chính sách được đồng thuận với việc giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, hoặc tiến tới 10 năm nhưng mức lương hưu cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đây là bài toán phải tính trong nhiều giải pháp”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh cần tạo ra lưới an sinh cơ bản để tất cả người lao động đều có được cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không phải chỉ có bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, muốn bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân thì không thể chỉ dựa vào bảo hiểm xã hội tự nguyện được”, bà Lan Hương nói. Đối với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, vị chuyên gia cho rằng, về mặt chính sách thì sẽ tạo ra tính không bền vững, và lo ngại đời sống của người hưởng hưu trí sẽ nghèo nàn do mức hưởng quá thấp.
Trước đó, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hồi tháng 6 năm nay, khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng từng nhấn mạnh, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới, trong các nhóm chính sách sẽ có giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, nếu trước đây quy định 20 năm, dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.
Dự thảo luật cũng sẽ tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn.
Trước đó, ngày 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó nêu rõ, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Riêng năm 2022, dù tình hình kinh tế có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện.