April 04, 2019 | 16:32 GMT+7

Giám sát BOT Bến Thuỷ: Phát hiện chênh lệch 32 triệu đồng một ngày

HẠNH NGUYÊN

Qua giám sát, Tổng cục Đường bộ phát hiện số tiền thu được tại BOT Bến Thuỷ chênh lệch hơn 30 triệu đồng

Trạm thu phí BOT Bến Thuỷ.
Trạm thu phí BOT Bến Thuỷ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã có kết quả kiểm tra, giám sát công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Bến Thuỷ và Bến Thuỷ 2 thuộc dự án BOT tuyến tránh Thành phố Vinh và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh.

Hai trạm thu phí trên do Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh thuộc Tập đoàn Cienco 4 quản lý và khai thác.

Chênh lệch thu phí 32 triệu đồng một ngày

Theo đó, từ 6h30 ngày 20/12 đến 6h30 ngày 30/12/2018 đoàn kiểm tra đã kiểm tra, giám sát thiết bị thu phí, giám sát công tác quản lý vé, giám sát ngoài cabin.

Kết quả cho thấy, số doanh thu đối với vé lượt trong 10 ngày giám sát là hơn 8,5 tỷ đồng, bình quân hơn 853 triệu đồng/ngày, cao hơn 32,4 triệu đồng/ngày so với bình quân 6 tháng liền kề trước đó.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng phát hiện trạm thu phí Bến Thủy thiếu dữ liệu video làn thu phí từ ngày 1/3/2017 đến 2/12/2017 (thiếu 277 ngày).

Đặc biệt, trạm thu phí Bến Thủy 2 thiếu dữ liệu video tại nhiều làn thu phí, cabin thu phí trong thời gian kéo dài. Trong đó: video làn số 6 và làn số 9 thiếu dữ liệu từ ngày 1/3/2017 đến ngày 19/11/2018 (629 ngày); Video làn số 5, làn số 10 thiếu dữ liệu từ ngày 1/3/2017 đến ngày 17/12/2018  (657 ngày); Video làn số 7, làn số 8 thiếu dữ liệu từ ngày 1/3/2017 đến ngày 21/1/2018 (327 ngày).

Tổng cục Đường bộ cho biết đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Cienco 4, Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh khắc phục những tồn tại của hệ thống thiết bị tại trạm thu phí về nhận dạng biển số, ảnh chụp xe qua trạm, thực hiện công bố thông tin tại trạm thu phí theo quy định.

BOT Bến Thuỷ - "con gà đẻ trứng vàng" cho Cienco 4

Dự án tuyến tránh thành phố Vinh, Nghệ An và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh do Tập đoàn Cienco 4 đầu tư theo hình thức BOT.

Đường tránh Vinh có chiều dài 25,8km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy cũ (Km 467+056, quốc lộ 1) được đầu tư vào năm 2003 với tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận để nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ (nay là trạm Bến Thủy 1) để thu phí hoàn vốn thay vì xây trạm thu phí mới trên tuyến tránh Vinh.

Tháng 9/2012, khi dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh Vinh, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2 (thu phí từ ngày 15/11/2012) để cùng trạm Bến Thủy 1 hoàn vốn cho dự án đầu tư công trình tuyến tránh Vinh.

Tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy-tránh thành phố Hà Tĩnh theo hình thức BOT với chiều dài 35,1km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng do Cienco 4 làm nhà đầu tư.

Có thể nói, hai trạm BOT trên là con gà đẻ trứng vàng cho Cienco 4. Tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Cienco 4 công bố cho thấy, doanh thu năm 2016 của Cienco 4 đạt 5.652 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ đồng, giảm 3% so với kế hoạch đề ra song vẫn tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Trước đó, năm 2015, Cienco 4 ghi nhận lãi 90 tỷ đồng. Trong đó, mảng thu phí đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu.

Được biết, Cienco 4 cũng từng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ tại trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2 để hoàn vốn đầu tư.

Lý do tăng phí được phía Tập đoạn Cienco 4 giải thích là để đảm bảo chi trả phần lớn các khoản chi cho dự án như chi phí bảo trì, vận hành, quản lý thu phí, chi trả nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký và không bị mất cân đối quá lớn nguồn vốn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate