Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard, những người nghiên cứu về môi trường và sức khỏe cộng đồng đã kiểm tra tác động của việc giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông trong một thập kỷ. Họ phát hiện ra số người chết đã giảm từ 27.700 người năm 2008 xuống còn 19.800 người vào năm 2017 và lợi ích kinh tế của việc giảm lượng khí thải lên tới 270 tỷ USD.
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng nếu các phương tiện tiếp tục phát thải ô nhiễm không khí ở mức độ năm 2008 trong suốt khoảng thời gian đó, tổng số người chết trong năm 2017 sẽ cao hơn 2,4 lần.
Theo nghiên cứu, các loại xe hạng nhẹ như ô tô con, xe bán tải và xe SUV đã giảm bớt gánh nặng tác động tới sức khỏe người dân nhờ các quy định khắt khe hơn đối với các công ty sản xuất xe và nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những lợi ích này bị hạn chế bởi dân số ngày càng tăng và già đi cũng như do những người lái xe mua những chiếc xe lớn hơn và lái nhiều hơn.
“Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm lượng khí thải, nhưng tác động ngược lại này của dân số và phương tiện lớn hơn. Vì vậy, sẽ khó đạt được tiến bộ đáng kể nếu chúng ta không ban hành các chính sách nghiêm ngặt hơn”, Ernani Choma, một nhà nghiên cứu sức khỏe môi trường tại Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Theo các chuyên gia không liên kết với nhóm nghiên cứu, mặc dù đã có nghiên cứu trước đây về lợi ích sức khỏe và tác động kinh tế của việc giảm phát thải, nhưng nghiên cứu này vẽ ra một bức tranh chính xác hơn về mức độ ảnh hưởng của khí thải đối với sức khỏe cộng đồng.
Sumil Thakrar, một nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Đại học Minnesota, cho rằng: “Chính sách môi trường tốt đã giảm đáng kể lượng khí thải giao thông trong thập kỷ qua. Trước rất nhiều phần chuyển động khác, các tác giả đã làm một công việc rất đáng quan tâm”.
Nghiên cứu cũng xem xét những lợi ích về khí hậu mang lại từ việc hạn chế ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, nhưng phát hiện ra rằng những lợi ích đó chỉ chiếm từ 3% đến 19% tổng lợi nhuận kinh tế.
Susan Anenberg, phó giáo sư về sức khỏe môi trường, nghề nghiệp và sức khỏe toàn cầu tại Đại học George Washington cho hay, thực trạng đó là bởi vì hầu hết các phương pháp giảm phát thải giao thông vận tải ở Mỹ đều nhằm mục đích hạn chế ô nhiễm không khí chứ không phải biến đổi khí hậu.
“Bộ chuyển đổi xúc tác, bộ lọc hạt động cơ diesel, chúng đang loại bỏ các chất ô nhiễm ra khỏi môi trường, nhưng chúng không làm được gì đối với carbon dioxide”, Susan Anenberg nhấn mạnh.
Đó là một lý do mà Choma và các đồng nghiệp của ông đề xuất các chính sách cứng rắn hơn để hạn chế phát thải. Một lý do khác là nếu xu hướng gia tăng về dân số, quy mô và sử dụng phương tiện giao thông tiếp tục thì các chính sách tương tự tạo ra lợi ích sức khỏe được nêu trong nghiên cứu sẽ không còn hiệu quả trong tương lai.
“Nếu chúng ta nhìn về phía trước đến năm 2030 và không có gì thay đổi, bạn sẽ chỉ thấy một sự giảm nhẹ về số ca tử vong do khí thải xe cộ. Vì vậy, đó là trường hợp cần các chính sách nghiêm ngặt hơn”, Ernani Choma nói.