Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại hội nghị sơ kết công tác tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tài chính chiều ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tin tưởng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của toàn ngành, ngành tài chính sẽ hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022.
Nhắc lại kết quả thu ngân sách khả quan năm 2021, theo Bộ trưởng, dù dịch bệnh diễn ra rất phức tạp nhưng nhiệm vụ thu ngân sách vẫn được hoàn thành, vượt 64% so với dự toán và đạt kết quả rất tốt so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tiếp tục phát huy kết quả của năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt hơn 66%, tăng trưởng xuất khẩu trên 17%, xuất siêu gần 1 tỷ USD... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Đặc biệt, ngành tài chính tham mưu Chính phủ tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 về gói kích cầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cũng quyết liệt trong việc tham mưu để Chính phủ ban hành kịp thời các nghị định hướng dẫn liên quan đến chính sách tài khóa.
Theo Bộ trưởng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong gói kích cầu và các chính sách miễn, giảm, giãn thuế khác chỉ ước khoảng 64 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay, tất cả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí tăng lên trên 88 nghìn tỷ đồng.
Ngày 6/7 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và như vậy sẽ giảm thêm 7 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đang trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và ước các chính sách này nếu được thông qua sẽ giảm thêm 35 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, "tổng mức giảm có thể lên tới 126 nghìn tỷ đồng. Đây là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành tài chính", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay chứa đựng nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Không chỉ có giá xăng, giá phân bón, vật tư, nhân công, những hàng hóa khác cũng tăng.
Do đó, cần phải có kịch bản điều hành, kiểm soát lạm phát và cần có sự nỗ lực, sáng tạo để vượt qua khó khăn.
Về thu ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng, thu ngân sách phải căn cứ vào sức khỏe của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả mới đóng góp được cho ngân sách. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển.
Trong đó có giải pháp về phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo tỷ giá ổn định, đồng tiền không mất giá...
"Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tham mưu cho Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng lưu ý, trong việc thực hiện gói kích cầu, các địa phương cần cẩn trọng trọng vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà, tránh để sai sót, chú ý đến các tiêu chí, đối tượng... Trong hỗ trợ lãi suất, cần chú trọng đến các vấn đề về xây dựng cơ bản đảm bảo sát thực tiễn, kịp thời.
Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc; hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý tài sản công; tiêu chuẩn định mức mua sắm tài sản công; chế độ công tác phí; hoạt động phát triển quỹ đất...
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung quản lý chống trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là chống thất thu thuế trong hoạt động mua bán online. Theo đó, Bộ trưởng giao ngành thuế phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để triển khai hiệu quả nội dung này.
Cùng với đó, nhấn mạnh vốn đầu tư công là vốn mồi để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, phối hợp chặt chẽ trong vấn đề kiềm chế lạm phát...