Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng vừa công bố đã lý giải phần nào nguyên nhân của tình trạng giảm sút của các giao dịch bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở cao cấp. Các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền.
LƯỢNG GIAO DỊCH BẰNG 39% SO VỚI QUÝ TRƯỚC
Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trên cả nước trong quý 3/2021 chỉ đạt 11.615 giao dịch, bằng 39% so với quý 2. Trong đó, tại miền Bắc có 6.226 giao dịch, miền Trung có 2.792 giao dịch, miền Nam có 2.597 giao dịch; Riêng tại Hà Nội có 1.745 giao dịch thành công, và TP. Hồ Chí Minh có 352 giao dịch thành công. Giá rao bán nhà ở, đất nền tại các địa phương cơ bản vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng mạnh hoặc giảm giá sâu so với quý trước.
Cụ thể, tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa, giá rao bán căn hộ chung cư bình quân giảm khoảng 2- 4%. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, giá rao bán căn hộ chung cư tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng khoảng 5%.
Xét về nguồn cung, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp. Một số dự án căn hộ chung cư ở Hà Nội được mở bán mới trong quý là: dự án Mipec Rubic 360 (Xuân Thủy) giá rao bán khoảng 40 triệu đồng/m2, dự án Golden Park Tower (Cầu Giấy) khoảng 41 triệu đồng/m2...
Thị trường nội đô hầu như không có căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này thường ở số ít dự án nằm xa trung tâm. Ví như tại Hà Nội là dự án Rose Town tại số 79 Ngọc Hồi, Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai rao bán khoảng 26 triệu đồng/m2, dự án chung cư Bình Minh Garden tại đường Đức Giang, Phường Đức Giang, Long Biên có bán khoảng 26,3 triệu đồng/m2; tại TP. Hồ Chí Minh chung cư HQC Plaza Huyện Bình Chánh giá rao bán khoảng 23 triệu đồng/m2, Dự án Citi Esto tại đường Nguyễn Thị Định, Phường Cát Lái, Quận 2, Hồ Chí Minh giá rao bán khoảng 30 triệu đồng/m2…
Trong khi đó, tại khu vực trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã xuất hiện một số dự án có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao. Cụ thể, dự án Moonlight Centre Point số 9 đường Tên Lửa, P Bình Trị Đông, Quận Bình Tân có giá khoảng 250 triệu đồng/m2, Dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên, Đường Nguyễn Văn Huyên, Phường Quan Hoa, Cầu Giấy giá khoảng 135 triệu đồng/m2.
ĐẤT NỀN PHÍA NAM GIẢM GIÁ
Đối với phân khúc đất nền, tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, miền Trung, giá chào bán hầu như không có biến động. Đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công hiện có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, dự án ICC Quán Mau tại quận Lê Chân có giá khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án Him Lam Hùng Vương tại quận Hồng Bàng có giá khoảng 29 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Bắc Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên có giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị mới Cựu Viên tại quận Kiến An có giá khoảng 22 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, dự án Làng Châu Âu (Euro Village) tại quận Sơn Trà có giá khoảng 84 triệu đồng/m2, dự án One River tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 52 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.
Ngược lại, ở phía Nam, thị trường đất nền lại có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh). Ví như đất nền tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 có giá khoảng 114 triệu đồng/m2, dự án An Phú – An Khánh tại quận 2 có giá khoảng 211 triệu đồng/m2, dự án Huy Hoàng tại quận 2 có giá khoảng 212 triệu đồng/m2, dự án The Everich III tại quận 7 có giá khoảng 110 triệu đồng/m2, khu dân cư Sở Văn hóa thông tin tại quận 9 có giá khoảng 72 triệu đồng/m2.
Dự báo về triển vọng của thị trường nhà ở từ nay đến hết năm 2021, Bộ Xây dựng cho rằng sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.