September 07, 2008 | 14:58 GMT+7

Giao dịch nhà đất tìm cách vượt khó ngắn hạn

Công ty 586 đã quyết định bán nhà trả góp trực tiếp cho khách hàng mà không cần sự trợ vốn từ ngân hàng

Trong tình hình tài chính khó khăn, lực lượng mua nhà hùng hậu nhất ở những đợt sốt giá nhà đất năm ngoái cũng theo gót các ngân hàng “bỏ rơi” các chủ đầu tư dự án căn hộ.

Trong tình hình đó, một số chủ đầu tư đang nỗ lực khai thông đầu ra sản phẩm, để từ đó giải quyết những khó khăn còn lại.

Dưới tác động của lạm phát, hiện nhiều người không còn đủ “sức” mua đi bán lại căn hộ để kiếm chênh lệch. Mua thì chẳng đủ vốn, còn bán thì không biết phải chờ thời đến bao giờ. Vì vậy, phần lớn người đi mua nhà hiện nay là để ở, và điều này đã được nhiều công ty môi giới nhà đất ghi nhận.

Nhưng nhìn chung, giá nhà vẫn còn cao so với năng lực tài chính của đối tượng này. Và một khi ngân hàng quay lưng thì khách không đủ tiền mua nhà, còn chủ dự án thì ôm hàng đang xây dở và cũng không có vốn để xây tiếp.

Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 (Công ty 586) đã quyết định bán nhà trả góp trực tiếp cho khách hàng mà không cần sự trợ vốn từ ngân hàng. Khách mua nhà ở Khu đô thị Phú An (Cần Thơ) được trả góp 50% giá trị căn hộ trực tiếp cho công ty trong thời hạn tối đa là 10 năm.

Làm thế nào Công ty 586 có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện kế hoạch kinh doanh như vậy trong thời buổi các chủ đầu tư dự án đang rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng như hiện nay?

Giải đáp thắc mắc này, ông Phan Quốc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Công ty 586 tại Cần Thơ, cho biết công ty đã cân nhắc nhiều yếu tố và quyết định  “làm chuyện cần phải làm”.

Theo ông Bảo, khu căn hộ Phú An đã được đền bù và san lấp hơn 80% mặt bằng, đã hoàn thiện hạ tầng khu nhà ở và đã bán hết gần 3.000 căn hộ dưới dạng cho vay trả chậm thông qua chương trình liên kết với sáu chi nhánh ngân hàng tại Cần Thơ.

Trong đó, có khoảng 2.500 căn hộ đã được xây hoàn thiện và nhiều chủ nhà đã dọn đến ở, 500 căn còn lại đang được xây dựng với khoản vốn mà chủ đầu tư bỏ ra đã khá nhiều. Nhưng rồi khách hàng đột ngột mất khả năng thanh toán theo tiến độ vì ngân hàng tạm ngưng cho vay, trong khi công trình đã đến giai đoạn không thể ngừng thi công.

“Chúng tôi đành phải lùi kế hoạch của một số dự án khác, bỏ vốn ra để hoàn tất những căn hộ theo đúng như thời gian cam kết, khách hàng sẽ trả góp lại cho công ty sau”, ông Bảo cho biết.

Thực ra, cách làm này cũng không dễ dàng chút nào. Trước đó, công ty đã áp dụng cho vay trả góp trong năm năm nhưng phương án này không phát huy hiệu quả vì thời gian trả góp ngắn, số tiền trả góp mỗi kỳ khá cao so với thu nhập của đại bộ phận khách hàng.

Đành phải kéo dài thời gian trả góp thành 10 năm, với mức lãi suất cho vay là 1,5%/tháng. Trong trường hợp khách hàng không chấp nhận mức lãi suất này, công ty không cam kết ổn định giá bán căn hộ vì giá thành xây dựng đã tăng hơn 20% và sẽ còn tiếp tục tăng thêm nếu phải kéo dài tiến độ xây dựng.

Ông Bảo cho biết công ty cũng ý thức rất rõ về rủi ro cho vay đối với những trường hợp người mua mất khả năng thanh toán và những phức tạp về thủ tục pháp lý kèm theo nếu tình huống này xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở sự chọn lựa thứ tự ưu tiên để mở một lối ra, công ty dành ưu tiên số một cho việc bán được hàng, thu hồi vốn để tái đầu tư.

Ông Bảo cho biết với cách này, thực ra, cả người bán và người mua đang cùng chia sẻ với nhau một niềm tin. Đó là sau một, hai năm nữa, tình hình tài chính sẽ ổn định, ngân hàng sẽ cho vay mua nhà trở lại với lãi suất thấp hơn.

“Khi đó, những khoản cam kết cho vay hiện nay của công ty sẽ lại được chuyển qua các ngân hàng có liên kết và người mua được quyền chọn lựa đơn vị cho vay có lãi suất thấp nhất”, ông Bảo nói.

Với niềm tin này, ông Bảo dự đoán thời gian thu hồi vốn của công ty không phải là 10 năm mà chỉ trong vòng hai năm!

(Theo TBKTSG)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate