December 12, 2021 | 19:03 GMT+7

Giáo dục ngoài công lập tự tìm phao cứu sinh

Song Hoàng -

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang loay hoay tự tìm phao cứu sinh trong cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình giáo dục theo hướng dạy học kết hợp, giáo dục hướng cá nhân... đang là xu hướng để các cơ sở này tạm thời sống được để chờ đại dịch Covid được kiểm soát hoàn toàn. ..

Nhiều trường tư thục đã kiệt lực vì nghỉ dạy quá lâu
Nhiều trường tư thục đã kiệt lực vì nghỉ dạy quá lâu

Hai năm qua, dưới áp lực nặng nề của dịch Covid -19, hệ thống giáo dục ngoài công lập đang đứng trước bờ vực đổ vỡ hàng loạt. Nhiều giáo viên mất việc, không ít người buộc phải về quê để lao động chân tay, làm việc trái ngành nghề.

KIỆT SỨC VỀ TÀI CHÍNH, NĂNG LƯỢNG VÀ Ý CHÍ

Trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập Việt Nam đã phải tổ chức chiến dịch 1000+1 để kêu gọi trợ giúp các giáo viên mầm mon mất việc. Ban tổ chức đã kêu gọi, tiếp nhận những khoản đóng góp nhỏ nhất, từ 10.000đ để gom góp, gửi tới các giáo viên trong hiệp hội.

Làn sóng dịch bệnh lần 4 chưa kịp lắng xuống, thì biến chủng mới Omicron tiếp tục bùng phát mạnh ở khắp nơi, khiến hy vọng được sớm mở cửa lại trường học của giáo viên, của chủ cơ sở tan thành mây khói. Không ai biết rõ đến khi nào thì dịch bệnh mới lắng dịu.

Không có nguồn thu, nhưng vẫn phải có tiền để chi trả cho các khoản đã vay mượn để xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học, các chủ trường mầm non đang rao bán, sang nhượng trường hoặc sang nhượng cơ sở của mình.

Chị Đặng Thị Tuyết, Giám đốc truyền thông của một trường tiểu học quốc tế trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội than thở: “Tình cảnh của chúng tôi rất thê thảm. Vừa đầu tư mở trường với rất nhiều chi phí, nhưng hai năm qua dịch bệnh bùng phát khiến mọi thứ đảo lộn. Ban giám đốc và giáo viên của trường đều tuyệt vọng vì không biết đến khi nào được trở lại trường. Biến chủng mới Omicron vừa xuất hiện đã dập tắt mọi hy vọng của chúng tôi. Có lẽ không thể gượng dậy được nữa”.

Đứng trước những khó khăn không thể lường hết do dịch bệnh, tháng 3/2020, hơn 150 đơn vị giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành cho biết họ đã kiệt sức vì phải đóng cửa thời gian dài do dịch bệnh, đồng thời đề xuất các phương án hỗ trợ. Các chủ cơ sở giáo dục viết trong bản kiến nghị: “Chúng tôi đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí!”.

Theo khảo sát nhanh, ở thời điểm trên, nếu dịch bệnh kéo thêm 3 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi…

Cảnh tượng trường lớp đóng cửa diễn ra ở khắp mọi nơi 
Cảnh tượng trường lớp đóng cửa diễn ra ở khắp mọi nơi 

Đến nay, khi dịch bệnh kéo dài hơn khoảng thời gian mà các cơ sở giáo dục dự liệu có thể cầm cự, thì nguy cơ phá sản đã trở thành hiện thực. Đây thực sự là cuộc khủng hoảng rất tồi tệ cho những người đang hoạt động trong hệ thống giáo dục ngoài công lập.

LOAY HOAY TỰ TÌM PHAO CỨU SINH 

Không chịu bó tay và cũng không thể ngồi một chỗ để trông ngóng sự trợ giúp, một số trường mầm non đã tự xoay xở theo hướng “ship” giáo viên đến tận nhà học sinh. Các giáo viên mầm non thay vì đến trường sẽ đến từng nhà phụ huynh có nhu cầu. Mức thu nhập của các cô tuy không bằng việc dạy học và chăm sóc nhóm trẻ như khi ở trường nhưng cũng đủ đảm bảo cuộc sống cơ bản.

Chị Vũ Thị Thúy, chủ cơ sở mầm non “Mẹ yêu con” cho biết, với dự án trông trẻ của trường, chị vẫn giữ chân được các giáo viên có trình độ và yêu nghề trong mùa dịch. Ban giám hiệu trường xây dựng mô hình trường học linh hoạt với giáo án cụ thể cho từng ngày và đảm trách việc điều phối hoạt động giảng dạy, kiểm tra chất lượng buổi học của từng học sinh cụ thể.

Về lâu dài, kể cả khi kiểm soát tốt dịch bệnh, mô hình dạy học tại nhà bài bản vẫn có thể thực hiện trong trường hợp học sinh ốm nghỉ hoặc cần nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Trao đổi với b về giải pháp sinh tồn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, PGS.TS Phan Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ GD&ĐT) cho biết: “Qua 2 năm phải chống chọi với dịch bệnh, chúng ta cũng nhận ra những vấn đề mang tính thách thức đối với giáo dục nói chung và các trường tư thục nói riêng”. Đó chính là sự sẵn sàng để chuyển đổi số trong giáo dục.

Gần như các nhà trường chưa có sự đầu tư đầy đủ cho hệ sinh thái giáo dục số với nền tảng quản trị, hệ dữ liệu giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng. Đây là hướng đi mà các chủ cơ sở giáo dục ngoài công lập cần xác định và dần thích ứng, ngay cả khi không có dịch bệnh, bởi thời đại cũng yêu cầu chúng ta chuyển đổi mô hình giáo dục theo hướng dạy học kết hợp (Blended learning), giáo dục hướng cá nhân, công nghệ là phương tiện tất yếu của giáo dục.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ đã tìm ra giải pháp để giúp Trung tâm toán của mình vận hành ổn định trong thời dịch bệnh
PGS. TS Chu Cẩm Thơ đã tìm ra giải pháp để giúp Trung tâm toán của mình vận hành ổn định trong thời dịch bệnh

PGS. TS Chu Cẩm Thơ cũng nhận định, nếu chuyển đổi số thành công, thì các nhà trường sẽ dễ dàng thích ứng với bất kì nguy cơ biến động xã hội nào, còn đảm bảo thực hiện được sứ mệnh với các đặc trưng của nhà trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hiện nay, Hệ thống Trung tâm POMath do PGS. TS Chu Cẩm Thơ sáng lập và điều hành cũng đã chuyển đổi số và hoạt động hiệu quả. Bà Thơ cho biết, POMath không chỉ hoạt động theo mô hình trung tâm mà đang có các chương trình trải nghiệm toán học, bồi dưỡng giáo viên được cung cấp cho các nhà trường, và nghiên cứu thực hiện các dự án giáo dục.

Đặc biệt, đứng trước tình trạng dịch bệnh kéo dài, Trung tâm này cũng đã quyết định đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số cho hệ thống và đầu tư nghiên cứu các giải pháp triển khai công nghệ giáo dục cao. “Đến nay, trung tâm toán của tôi đã có học sinh theo học các khóa học trực tuyến ở gần 30 tỉnh, thành trên cả nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến kết hợp trên nền tảng công nghệ học tập thích ứng để phục vụ đông đảo người học trong và ngoài nước”. PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết.

Bà Thơ cũng nêu kiến nghị, để tiếp tục phát huy vai trò của giáo dục ngoài công lập và giải cứu các trường học trước nguy cơ đóng cửa, chúng ta cần có những chính sách thiết thực cả ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần có những giải pháp cấp bách để tránh tình trạng đóng cửa của nhiều trường học trên địa bàn dân cư. Nhà nước có thể “mua lại” hoặc “cho vay tài chính” để duy trì các trường học này, sau đó có thể chuyển nhượng công – tư khi trường học được phục hồi. Bên cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy tốt hơn các mô hình đầu tư bền vững cho giáo dục.

Bà Thơ nhấn mạnh: Chính sách của chúng ta cần tập trung cho chuyển đổi số, cho toàn ngành giáo dục chứ không chỉ giáo dục tư nhân. Tạo ra thị trường cho chuyển đổi số trong giáo dục, không chỉ là giải pháp để hiện đại hóa giáo dục, đáp ứng yêu cầu của thời đại, mà còn tạo động lực cho các đầu tư thực chất, bền vững.

Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh dựa trên đảm bảo chất lượng, minh bạch trách nhiệm giải trình… sẽ giúp cho sự phát triển ở lĩnh vực này ổn định và phát huy được vai trò trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng, cho xã hội nói chung

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate