Tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại bởi thiếu nguyên liệu đầu vào.
Sự chững lại của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ (sau đây gọi là ngành gỗ) thể hiện qua những con số sau. Năm 2004, ngành có tốc độ phát triển tăng 88% so với 2003. Nhưng sang năm 2005 chỉ tăng 35% so với 2004, và 2006 tiếp tục giảm xuống còn 24,5% so với 2005.
Bốn tháng đầu năm 2007, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ chỉ dừng ở con số khiêm tốn: 21,8% so cùng kỳ.
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề cố hữu là thiếu nguyên liệu đầu vào, qua đó vực lại tốc độ tăng trưởng cho ngành gỗ? Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM.
Thiếu nguyên liệu đầu vào đang là khó khăn lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Vậy theo ông, chúng ta cần có chiến lược gì để giải quyết khó khăn này?
Theo tôi, chúng ta cần tập trung vào hai hướng cụ thể.
Hướng trước mắt mà chúng ta cần làm ngay, đó là phải ổn định nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước đang cung cấp cho Việt Nam như: các nước trong khối ASEAN, một số nước châu Phi, Mỹ, Âu…
Cụ thể là Chính phủ cần có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ thông qua việc tăng cường ký các Hiệp định song phương với các nước, tạo ra một lối đi thông thoáng cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể ký kết hợp đồng với các chủ rừng, các nhà quản lý rừng hay các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ của nước ngoài nhiều hơn và cũng dễ dàng hơn.
Còn hướng thứ hai là Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài để kết hợp với các doanh nghiệp của họ chế biến các nguyên liệu gỗ ngay tại các nước rồi đưa về Việt Nam. Làm như vậy sẽ đạt được hai mục tiêu: giá thành hạ (do mình có thể quan hệ trực tiếp với khách hàng) và nguồn nguyên liệu của chúng ta sẽ bền vững hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực của mình thông qua việc xây dựng các kho chứa nguyên liệu với trữ lượng lớn, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu chế biến trong nước cũng như xuất khẩu.
Còn về lâu dài, Chính phủ cần có sự thay đổi căn bản trong chính sách trồng rừng. Chính phủ nên giao rừng và có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ hoặc các doanh nghiệp kinh doanh rừng…Nếu bây giờ chúng ta không có những chính sách quyết liệt về vấn đề trồng rừng thì 10-20 năm nữa, chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ sau, bởi là một đất nước có diện tích rừng vào loại lớn trên thế giới mà phải nhập khẩu gỗ. Đó là một điều không thể chấp nhận được.
Vấn đề giao rừng cho doanh nghiệp mà ông vừa đề cập cũng đã được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên chính sách này đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì?
Đúng là chúng ta cũng đã thực hiện giao rừng cho doanh nghiệp nhưng đó là các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các nông lâm trường. Còn việc giao rừng cho doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được thực hiện. Và trên thực tế Chính phủ cũng đã nhận thấy sự kém hiệu quả của chính sách giao rừng cho doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy theo tôi trong thời gian tới, Chính phủ cần phải có chính sách giao rừng cho các doanh nghiệp tư nhân. Đây là lối thoát mạnh mẽ nhất để có thể khôi phục tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ cũng như duy trì và phát triển nguồn nguyên liệu trong thời gian dài.
Mặt khác, Chính phủ cũng cần phải có sự khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để cùng nhau trồng rừng. Sở dĩ cần phải làm như vậy là bởi các doanh nghiệp nước ngoài họ quản lý rừng rất tốt và rất khoa học. Nếu liên kết, chúng ta sẽ có điều kiện để chọn lọc những phương pháp quản lý rừng phù hợp và hiệu quả nhất, từ đó tạo ra được một nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định.
Nhưng nếu giao rừng cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài sẽ liên quan đến nhiều vấn đề khác chẳng hạn như an ninh, quốc phòng, biên giới… Nên giải quyết mối quan hệ này như thế nào cho có hiệu quả?
Về phía góc độ Nhà nước cần phải có chính sách gợi mở và hiệu quả hơn. Các bộ ngành cần phối hợp với chính phủ để đưa ra những chính sách đồng bộ hơn. Gần đây, các chính sách của Nhà nước đã có những chuyển đổi cơ bản nhưng tính đồng bộ thì vẫn còn hạn chế.
Chẳng hạn, chính sách trồng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ được Bộ Thương mại hay Bộ Quốc phòng… nhìn nhận dưới góc độ khác, cho nên nhiều khi hình thành nên những quan điểm trái ngược nhau.
Vì vậy Chính phủ cần phải đóng vai trò là cầu nối giữa các bộ, ngành với nhau cũng như giữa các bộ, ngành với các doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, tôi tin những chính sách về trồng rừng để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ sẽ ngày càng thông thoáng hơn và phát huy tác dụng hơn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate