June 21, 2018 | 08:35 GMT+7

Giáo sư Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập giữ kỷ lục của làng báo Việt

Nguyễn Thiêm

Đi từ hai bàn tay trắng, không có đồng vốn nào của Nhà nước, một tay GS Đào Nguyên Cát đã xây dựng Thời báo Kinh tế Việt Nam trở thành một trụ cột trong làng báo kinh tế trong nước và đối ngoại

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.
GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp ông cách đây hơn 15 năm. Đó là một buổi chiều, đang ngồi chơi với mấy anh em ở Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Báo Công an Tp.HCM, lúc đó đang thuê một dãy nhà cấp 4 của Công ty In Tiến Bộ ở phố Nguyễn Thái Học làm trụ sở, thì một ông già tầm thước, tóc bạc trắng, ăn mặc lịch sự: giầy da, quần tây và áo lụa may kiểu Tôn Trung Sơn bước vào.

Ông già ấy chính là Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập đầu tiên và duy nhất (cho tới lúc này) của Thời báo Kinh tế Việt Nam, người đang giữ kỷ lục của làng báo Việt Nam và có lẽ sẽ khó ai có thể "đoạt ngôi": Tổng biên tập cao tuổi nhất – 92 tuổi, vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn xuân.

Duyên nợ với nghề báo

Bây giờ, ngẫm lại cuộc đời gần một thế kỷ của mình, Giáo sư Đào Nguyên Cát bảo rằng, có lẽ ông có duyên nợ với nghề báo chí và tuyên huấn nên ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, ông đã gắn bó với nó.

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông là lớp cán bộ đầu tiên được cử đi học chính trị ở Trung Quốc và đến đầu những năm 60 được cử đi học lý luận ở Liên Xô. Và rồi suốt quãng thời gian công tác mấy chục năm ở Ban Tuyên huấn Trung ương, ông gắn bó với công việc giảng bài, soạn sách, viết báo và làm tổng biên tập các tạp chí, Vụ trưởng Vụ Biên soạn giáo trình ký luận chính trị, kể cả nhà xuất bản sách giáo khoa Mác Lênin. 

Nhưng nếu chỉ có thế thì có lẽ cũng không mấy người biết đến ông. Dấu ấn rõ nét nhất, làm nên tên tuổi ông như ngày hôm nay lại bắt đầu từ công việc khi ông đã ngoài 60 tuổi và nhận quyết định nghỉ hưu ở Ban Tuyên huấn Trung ương, và nhận phê duyệt của Ban Tuyên huấn Trung ương làm Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Tôi hỏi ông ngày ấy tất cả các cơ quan báo chí đều sống bằng tiền nhà nước, được bao cấp hết từ lương, biên chế tới trụ sở, còn ông nhận chức mà vốn liếng chỉ có duy nhất... tờ A4 quyết định làm Tổng biên tập, ông có thấy mình quá liều không? 

Ông cười bảo rằng "mấy chục năm công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương, tôi đã quen tự mình chủ động làm hết mọi việc rồi, mà trong những việc đã làm thì nhiều nhất là Tổng biên tập các tạp chí nên cũng không lo".

Năm 1991, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam quyết định thành lập tờ báo chuyên ngành kinh tế. Chủ trương đã có nhưng lấy ai làm lại là chuyện không đơn giản, vì Hội không có kinh phí để cấp cho báo. Cuối cùng, người được chọn là Đào Nguyên Cát.

Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng, ngày ấy ông nhận chức Tổng biên tập, nhưng là "Tổng biên tập 3 không": không tiền, không tòa soạn, không bộ máy. Trong khi để đăng ký giấy phép xuất bản thì điều tối thiểu phải có nơi ghi địa chỉ tòa soạn. 

Thấy ông làm Tổng biên tập kiểu "tay không bắt giặc" như vậy, ông Lê Tiến, Ủy viên Trung ương Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại đồng ý cho báo đăng ký địa chỉ tòa soạn tại Trung tâm Thương mại ở số 46 Ngô Quyền; nhưng chỉ là cho nhờ trên giấy tờ để đủ điều kiện xin cấp phép thôi chứ không được dùng làm nơi làm việc. 

Không có tiền thuê trụ sở, cuối cùng ông đưa tòa soạn về... nhà riêng ở số 8 Lý Thường Kiệt. Có phòng làm việc rồi, nhưng cần phải có thiết bị văn phòng. 

Ông đã làm "quan báo" từ lâu, được giao chức Phó Vụ trưởng Vụ Huấn học, rồi Vụ trưởng Vụ Biên soạn sách giáo khoa Mác Lênin, lương tột khung Vụ trưởng (160 đồng). Ngoài 50 tuổi đã là chuyên viên 7, Tổng biên tập nhà xuất bản sách giáo khoa Mác Lênin, rồi làm giám đốc Nhà Giáo dục Chính trị TƯ, lương và đãi ngộ được Ban Tổ chức TƯ xếp tương đương Phó trưởng ban của Đảng nhưng tài sản khi về hưu không có gì cao sang. 

Ngoài cái tủ, bộ salon đan bằng mây cũ, vài cái ghế được trang bị từ lâu thì không có gì quý giá. Vậy là ông lại "vác rá" đi xin. Nhờ các mối quan hệ từ trước, ông xin được một cái máy đánh chữ từ Tổng giám đốc Công ty Bách hóa; sau này Giám đốc Công ty GenPacific cho một chiếc máy tính cũ; còn bà Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thì tặng cho một chiếc máy photocopy đã sử dụng rồi nhưng còn dùng được.

Trang thiết bị thì như thế, còn nhân viên tòa soạn cũng toàn người nhà. Do tòa soạn đặt tại nhà nên vợ ông trở thành người trực điện thoại, thu báo "kiêm" nhân viên tạp vụ. Hai người con trai làm thư ký, con rể phụ trách trị sự; con dâu trưởng là nhân viên hành chính ở Thông tấn xã Việt Nam cũng được trưng dụng vừa làm kế toán, thủ quỹ kiêm nhân viên đánh máy. 

Vì là người nhà nên tất cả mọi người đều không có lương. Chỉ duy nhất có một người sửa morat, lo in báo và phát hành là vợ của một cán bộ ở Ban Tuyên huấn Trung ương - cô Nga, được ông giúp xin chuyển hộ khẩu từ Bắc Giang về Hà Nội, tự nguyện đến làm không lương nhưng được tòa soạn trả 50.000 đồng/tháng.

Bộ phận hành chính thì như vậy, phóng viên hoàn toàn không có nhưng lại rất nhiều cộng tác viên là nhà báo đã hưu trí. Điều may mắn là khi biết Hội ra báo, rất nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà báo kỳ cựu đều tích cực cộng tác viết bài cho Tổng biên tập Đào Nguyên Cát và đều không lấy nhuận bút.

Không phải lo chuyện bài vở và trả lương cho nhân viên, nhưng để ra được báo vẫn cần phải có tiền để trả cho nhà in dù ban đầu báo in chỉ 1 số/tháng. Loay hoay mãi, cuối cùng ông lại nghĩ ra cách kiếm tiền bằng cách gõ cửa Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại Lê Tiến xin giấy in báo. 

Nghe ông trình bày khó khăn, ông Lê Tiến chỉ cho cách: ông, với vai trò Tổng biên tập báo, làm công văn xin mua 2 tấn giấy của Công ty Giấy Bãi Bằng với giá nội bộ. Sau đó, Trung tâm Thông tin thương mại sẽ mua lại 1 tấn với giá gấp đôi giá mua của Bãi Bằng. Vậy là báo có lãi 1 tấn giấy, đủ để in được 3 số báo.

Nhờ cú lách luật ấy mà ông có 1 tấn giấy in báo. Nhưng có giấy rồi vẫn phải trả tiền công in. Cũng lại thật may, lúc ấy Trung tâm Thông tin thương mại mới nhập về một chiếc máy in 4 mầu nhưng chưa được cấp phép hoạt động. 

Vậy là ông Tiến dùng ngay máy này để in thử cho báo. Dù chất lượng không được như ý, nhưng cũng ở mức chấp nhận được. Ông Lê Tiến ra điều kiện, nếu Tổng biên tập Đào Nguyên Cát "chạy" được giấy phép lập xưởng in thì sẽ "trả công" bằng việc in báo. 

"Việc xin giấy phép ấy với tôi không khó vì toàn chỗ người quen cả nên anh em giúp ngay. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, tôi lo được cả giấy và công in cho 3 số báo", Giáo sư Đào Nguyên Cát kể.

Tháng 9/1991, tờ Thông tin Kinh tế chính thức ra mắt bạn đọc số đầu tiên với số lượng rất "khiêm tốn", chủ yếu để mang đi biếu. Ông là Tổng biên tập nhưng cũng phải trực tiếp mang báo đi khắp những nơi quen biết để biếu. Sau 3 số báo in miễn phí, đến số thứ 4 thì đã bắt đầu kiếm được tiền từ quảng cáo nên báo đưa đi in ở nơi khác có chất lượng đẹp hơn. Số thứ 4, báo in được 2.000 bản.

Tháng 12/1991, khi tờ báo đã định hình thành tờ chuyên về kinh tế và bắt đầu được bạn đọc quan tâm, thấy rằng cái tên "Thông tin Kinh tế" không còn phù hợp với yêu cầu của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, là báo phải thông tin kịp thời, toàn diện các vấn đề kinh tế và sự nghiệp đổi mới, Tổng biên tập Đào Nguyên Cát quyết định đổi tên báo.

"Lúc đầu, tôi định đổi tên báo từ Thông tin Kinh tế thành Thời báo Kinh tế. Khi lên gặp ông Lưu Văn Hân, Cục trưởng Cục Báo chí, ông ấy góp ý thêm hai từ "Việt Nam" vào cho đầy đủ tên báo của thời hiện đại. Vậy là tôi quyết định lấy tên Thời báo Kinh tế Việt Nam, và cũng là người vẽ logo cho tên báo", Giáo sư Đào Nguyên Cát kể.

Đưa tờ báo sớm đồng hành cùng doanh nghiệp

Bây giờ, với các báo, để tồn tại được thì làm quảng cáo, hợp tác truyền thông với các doanh nghiệp đã trở thành việc quan trọng không kém với lo nội dung. Nhưng với Tổng biên tập Đào Nguyên Cát thì đã tính tới chuyện làm kinh tế báo chí ngay từ những ngày đầu lập báo.

Khi Thời báo Kinh tế Việt Nam đã định hình được là tờ báo chuyên sâu về kinh tế, ông tính ngay tới chuyện hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp để tuyên truyền chính sách, vừa có tiền quảng cáo, vừa giúp mở rộng kênh phát hành. 

Hợp đồng đầu tiên là ký với Tổng cục Thuế để ra số chuyên đề về thuế đất đai. Tổng cục Thuế đặt mua ngay 10.000 tờ báo, tiền bán báo thu được một khoản không nhỏ. Sau đó, ông ký hợp tác với Tổng cục Hàng không để bán mỗi số 2.000 tờ báo cho ngành hàng không đưa lên máy bay. 

Đó là bước phát triển nhảy vọt, cất cánh. Ngày ấy, các doanh nghiệp không nhiều và cũng không có tư duy quảng cáo để bán hàng như bây giờ nên để tiếp cận và lấy được tiền của doanh nghiệp không phải chuyện dễ. 

Vì thế, từ Tổng biên tập tới phóng viên phải giở hết "võ" mới thuyết phục được doanh nghiệp. Nhưng, bằng cách làm luôn "đi bằng hai chân" nội dung và quảng cáo như vậy mà báo đã mở rộng được kênh phát hành và thu được nguồn tiền không nhỏ từ quảng cáo.

Ấn tượng nhất là việc Thời báo Kinh tế Việt Nam là một trong hai tờ báo đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước cho phép hợp tác với đối tác nước ngoài để in ấn, phát hành và bán quảng cáo.

Nhắc lại "thương vụ thế kỷ" ấy, Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng giữa năm 1992, ông nhận được công văn của ông Bùi Xuân Nhật, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Bộ Ngoại giao, sau làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, thông báo rằng Công ty Ringier AG của Thụy Sĩ muốn hợp tác với phía Việt Nam để xuất bản một tờ báo chuyên về kinh tế. 

"Tôi nhận được công văn ấy lúc đang dự lớp học cao cấp của Chính phủ tổ chức, do Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu làm cố vấn. Học viên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, nên tôi lập tức bàn với các anh lãnh đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hóa – Thông tin, Ủy ban Hợp tác đầu tư nước ngoài. Tất cả đều rất ủng hộ việc hợp tác này". 

Sau đó, việc hoàn tất các thủ tục hợp tác được ông Tổng biên tập làm rất nhanh, đặc biệt là việc vận động các bộ, ngành đồng ý. Cuối năm 1992, hợp đồng hợp tác giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và Ringier AG được ký kết. Việc hợp tác này kéo dài tới năm 2007 mới kết thúc. 

Sau 15 năm hợp tác với đối tác nước ngoài đã giúp báo không chỉ quảng bá được thương hiệu, mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm báo trong điều kiện thị trường. Hợp tác lỗ, báo không được chia lãi, nhưng được thương hiệu để tạo đà tiến lên. Đó là cú hích mạnh.

Sau 27 năm thành lập, từ vốn liếng ban đầu chỉ có vài thứ thiết bị văn phòng đi xin, giờ đây Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có cơ ngơi trị giá cả trăm tỉ đồng với hai tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, một tòa nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc; trở thành tổ hợp báo chí kinh tế với tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam xuất bản hàng ngày, tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh Vietnam Economic Times, báo điện tử của Thời báo Kinh tế Việt Nam tên tiếng Anh là VnEconomy và một loạt ấn phẩm phụ khác. 

Hàng năm báo còn tổ chức nhiều sự kiện, liên hoan về kinh tế, du lịch. Vận hành tổ hợp ấy là bộ máy hơn 200 cán bộ, phóng viên. Tất cả những thành công ấy đều có dấu ấn đậm nét của Giáo sư Đào Nguyên Cát, người Tổng biên tập đầu tiên và duy nhất đến lúc này. 

Giáo sư Đào Nguyên Cát tâm sự thêm, "Tuy báo đã có "của ăn của để", nhưng tài sản tích lũy đều được quy chế của Bộ biên tập coi là tài sản không chia, tài sản của tập thể cán bộ nhân viên tòa báo nhằm phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển đất nước" và "mình làm việc đến tuổi này đã vui như được sống thêm một đời người nữa để phục vụ Tổ quốc, nhưng thực sự là quá tải. 

Tuy đầu óc còn minh mẫn, nhưng khi tuổi càng cao thì sức càng yếu dần. Trên 90 tuổi mà còn chủ trì quản lý cơ quan là gánh nặng lớn. Tôi đã nghĩ đến việc phải lo người kế cận từ cách đây 20 năm, nhưng đề nghị yêu cầu đó với Ban tư tưởng văn hóa TƯ và Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam từ lâu mà việc chưa thành. 

Đến nay, đội ngũ cốt cán trong tòa báo đã mạnh. Tôi lạc quan tin tưởng và mong muốn rằng, Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ vững bước phát huy thành quả đã đạt được trong gần ba chục năm qua. Làm báo là một nghề cao quý và gắn với trí tuệ. Luyện tay nghề đã không dễ, khó hơn là rèn cái tâm làm báo. Đây là điều tâm sự sâu xa muốn trao đổi với các bạn đồng nghiệp".

Nhân Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả viết bài báo này để mừng thọ người đồng nghiệp, nhà báo lão thành Giáo sư Đào Nguyên Cát. Chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, lạc quan, yêu đời và tiếp tục cống hiến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate