January 13, 2010 | 14:32 GMT+7

Giáp Tết, vệ sinh an toàn thực phẩm lại "nóng"

Chu Khôi

Cửa ngõ Lào Cai đang trở thành điểm “nóng” về các sản phẩm nội tạng động vật nhập lậu

Nội tạng động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được nhập lậu ngày càng nhiều.
Nội tạng động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được nhập lậu ngày càng nhiều.
Tết Nguyên đán, nhu cầu của sử dụng nhiều loại thực phẩm tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Tại các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh...trong tháng giáp Tết, hoạt động nhập lậu càng nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Bá  Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai cho biết, hiện nay cửa ngõ Lào Cai đang trở thành điểm “nóng” về các sản phẩm nội tạng động vật nhập lậu.

Chỉ từ tháng 12/2009 đến nay, cơ quan chức năng của Lào Cai, Phú  Thọ và Hà Nội đã bắt giữ liên tục hàng chục vụ vận chuyển, tàng trữ nội tạng động vật, thịt “bẩn”, bì lợn thối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, vụ ít cũng có tới 300kg, vụ nhiều lên tới 1.400kg.

Đợt cao điểm ra quân chống buôn lậu trong tuần qua, ở Lào Cai đã phát hiện và bắt giữ gần chục vụ nhập lậu gia súc gia cầm và sản phẩm động vật rất mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày 6/1/2010, Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lào Cai đã thu giữ 60 kg thịt chim cút nhập lậu từ Trung Quốc đang trong thời gian phân huỷ, không còn nguyên trạng phẩm chất.

Ngày 7/1, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Lào Cai) phát hiện và bắt giữ hơn 200kg gà sống nhập lậu từ Trung Quốc. Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Lào Cai đã bắt giữ gần 5,5 tấn nội tạng động vật đã qua sơ chế, nhưng mở ra mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ông Quyền Sinh Từ, Phó đội trưởng Đội kiểm soát hải quan cửa khẩu Lào Cai, thời gian gần đây đội chống buôn lậu cửa khẩu phát hiện có hiện tượng nội tạng động vật  được nhập từ nước ngoài về cảng Hải Phòng theo đường biển, sau đó tuồn vào nội địa và chở ngược từ Hà Nội lên Lào Cai, đưa qua đường biên sang Trung Quốc để sơ chế, sau đó lại mang trở lại Việt Nam tiêu thụ. Việc buôn nội tạng động vật được tổ chức khá quy mô, có đường dây hẳn hoi.

Mặc dù số vụ bắt giữ khá nhiều song đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì hiện nay nguồn nội tạng động vật vẫn đang tràn lan trên thị trường nội địa, trong các nhà hàng, quán ăn. Bà Nguyễn Thị Khang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật Lào Cai cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, chỉ có vài ba lô hàng chủ yếu là sữa nhập qua chính ngạch. Còn lại hầu như thực phẩm đều là nguồn hàng nhập lậu.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hầu như các cửa khẩu đều có các trạm, chi cục kiểm dịch động vật nhập khẩu và trách nhiệm cụ thể thuộc Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nhưng hiện việc kiểm soát nguồn thịt cũng như nội tạng động vật nhập khẩu đang gặp khó khăn.

Chính sách mua bán hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới theo QĐ 254 của Chính phủ quy định: mỗi người dân ở cửa khẩu được phép mua lô hàng có trị giá dưới 2 triệu đồng mà không phải làm các thủ tục hải quan, đóng thuế. Lợi dụng kẽ hở này, các “cửu vạn” gánh hàng thuê cho các chủ buôn có thể thoải mái xé lẻ các bao đựng nội tạng động vật để xách dần về điểm tập kết bí mật.

Như vậy là chính sách biên mậu đang tạo ra cơ chế quản lý khá lỏng lẻo nơi cửa khẩu, tạo điều kiện để các mặt hàng kém chất lượng tràn vào nội địa. Nếu chỉ siết lại hoạt động của các cơ quan kiểm dịch cũng không đủ mà còn phải điều chỉnh lại cơ chế, chính sách hàng biên mậu một cách hợp lý mới có thể phần nào chặn được hàng nhập lậu, kiểm soát được mối nguy từ các thực phẩm nhập lậu tràn vào thị trường nội địa.

Nhằm ngăn chặn thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ liên quan, thành lập 10 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra tại 30 tỉnh, thành phố từ 1/1 - 14/2/2010.

Thực tế là, càng kiểm tra càng phát hiện nhiều vi phạm. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế Hà Nội đang ráo riết kiểm tra sản xuất tại những làng nghề thực phẩm có quy mô sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết: làng bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh; làng bún Mễ Trì, làng đậu phụ Liên Mạc và làng giò chả Thượng Cát.

Tại Xuân Đỉnh, hiện có 39 cơ sở đăng ký sản xuất bánh, mứt, kẹo Tết, với tổng sản lượng đăng ký sản xuất khoảng gần 700 tấn mứt thành phẩm. Mặc dù đoàn kiểm tra kết luận rằng việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến bộ hơn năm trước, nhưng ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh vẫn thừa nhận, nhiều hộ sản xuất mứt thiếu sân phơi, phải phơi ra hè đường.

Một đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh rau an toàn tại một số cửa hàng kinh doanh rau. Tại hầu hết các điểm được kiểm tra, đều xảy ra tình trạng vi phạm, phổ biến nhất là vi phạm về bao bì, tem ghi nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, sơ chế rau an toàn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate