Năm 2020, giới bán khống đã “lĩnh đủ” khi nhằm vào cổ phiếu Tesla. Năm nay, họ ăn trúng đậm vì cổ phiếu hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk đã rớt giá khoảng 1/3 chỉ trong vòng 4 tháng.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, số nhà đầu tư bán khống cổ phiếu Tesla năm nay ít hơn, có lẽ bởi nhiều người trong số họ vẫn còn bị ám ảnh bởi thua lỗ chồng chất trong năm ngoái.
Bán khống (short) là khi nhà đầu tư mượn một cổ phiếu để bán ra, rồi sau đó chờ cho giá cổ phiếu đó giảm rồi mua vào để trả lại, hưởng phần chênh lệch giá. Nếu giá cổ phiếu đó giảm càng nhiều thì nhà đầu tư bán khốn càng lãi lớn, và ngược lại, họ sẽ gánh thua lỗ khi giá cổ phiếu đó tăng.
Năm ngoái, cổ phiếu Tesla tăng 743%, dẫn tới khoản thua lỗ chưa từng có tiền lệ 40 tỷ USD cho các nhà bán khống cổ phiếu này – theo dữ liệu từ công ty phân tích S3 Partners.
Nhưng nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu Tesla đã giảm gần 18%. Nhờ đó, các trạng thái bán khống cổ phiếu này đang lãi 4 tỷ USD, ít nhất trên giấy tờ. Với thành quả như vậy, Tesla đang là cổ phiếu số 1 về bán khống ở Phố Wall, cả về tổng giá trị bán khống và mức lợi nhuận mang lại.
Trong top 5 cổ phiếu mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các nhà bán khống ở Phố Wall từ đầu năm, ngoài Tesla còn có hãng chip AMD, hãng xe điện Trung Quốc Nio, nhà cung cấp dịch vụ streaming Fastly, và công ty năng lượng mặt trời Sunrun. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận mà việc bán khống 4 cổ phiếu này mang lại vẫn không bằng cổ phiếu Tesla – theo S3.
Đối với Musk, nhà sáng lập kiêm CEO của Tesla, các nhà bán khống cổ phiếu hãng xe điện này thực sự là “cái gai trong mắt”. Tất nhiên, không có vị CEO nào ưa những nhà đầu tư đặt cược vào sự mất giá của cổ phiếu công ty họ, nhưng ông Musk tỏ ra quyết liệt hơn cả. Ông đã có một cuộc chiến dài và ồn ào với các nhà bán khống.
Tuần trước, nhà bán khống lừng danh Michael Burry tiết lộ rằng tính đến thời điểm cuối tháng 3, ông có trong tay trạng thái bán khống hơn 800.000 cổ phiếu Tesla, trị giá khoảng 534 triệu USD.
Phân tích của S3 cho thấy số cổ phiếu Tesla trong các trạng thái bán khống hiện nay có trị giá khoảng 22 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cổ phiếu này đang duy trì xu hướng giảm và có khả năng sớm rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
“Năm nay, khi giá cổ phiếu Tesla giảm liên tục, tôi thấy ngạc nhiên khi mức độ bán khống lại giảm xuống”, Giám đốc Ihor Dusaniwsky của S3 phát biểu. “Đó là một sự trượt giảm dần và đều”.
Sau Tesla, các cổ phiếu bị bán khống nhiều thứ hai và thứ ba ở Phố Wall hiện nay là Amazon và Microsoft. Tổng giá trị trạng thái bán khống Tesla đang nhiều hơn gần 40% so với Amazon và nhiều gần gấp đôi so với Microsoft.
Ngay cả các nhà đầu cơ giá lên cổ phiếu Tesla giờ đây cũng lo ngại rằng cổ phiếu này đang được định giá quá cao so với giá trị thực, theo nhà phân tích Daniel Ives thuộc Wedbush Securities. Giá trị vốn hoá thị trường của Tesla hiện ở mức xấp xỉ 560 tỷ USD, lớn hơn cả tổng vốn hoá của 5 hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số.
Nhưng nhiều nhà đầu tư bán khống có vẻ không còn lòng dạ nào để đặt cược vào sự mất giá của cổ phiếu Tesla, sau khi đã thua lỗ nghiêm trọng trong năm ngoái. “Nhiều nhà bán khống hiện chưa sẵn sàng để thử vận may lần nữa với Tesla”, ông Ives nói.