Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của 3 ngân hàng trung ương lớn gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Quyết định mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra tại các cuộc họp này sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo của giới phân tích và nhà đầu tư, Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong lần họp này; ECB sẽ tiếp tục nâng lãi suất; còn BOJ duy trì trạng thái “án binh bất động”.
Trước cuộc họp của Fed, thị trường sẽ đón nhận một số liệu quan trọng từ Mỹ, đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này. Bản báo cáo sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Ba, trước khi Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục dịu đi trong tháng 5 sẽ là điều được thị trường chào đón tích cực, bởi số liệu việc làm mạnh của tháng 5 đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed đang khiến giá cả dịu đi mà không gây ra nhiều tổn thất đối với tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo, chỉ số CPI toàn phần của tháng 5 tăng 0,3% so với tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4.
Tin chắc Fed sẽ không thay đổi lãi suất khi công bố quyết định của cuộc họp vào ngày thứ Tư, giới đầu tư đang và sẽ cố gắng xác định xem Fed có tăng thêm lãi suất sau đó hay không. Ở thời điểm hiện tại, thị trường cho rằng sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, vào tháng 7 - một triển vọng mà giới đầu dường lấy làm dễ chịu, thể hiện qua việc chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây.
Cuộc họp của ECB sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm, một ngày sau cuộc họp của Fed. Nhiều khả năng, ECB sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, và điều nhà đầu tư chờ đợi là tín hiệu về định hướng tiếp theo của ECB. Khả năng ECB sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong lịch sử của ngân hàng trung ương này đang tăng lên
Lạm phát toàn phần ở khu vực đồng sử dụng đồng Euro đã giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng 5 và lạm phát lõi - loại bỏ giá cả của những nhóm hàng hoá và dịch vụ có mức độ biến động lớn như thực phẩm và xăng dầu - đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Nền kinh tế khu vực đã rơi vào suy thoái và hoạt động cho vay của ngân hàng đang giảm tốc nhanh chóng.
Thị trường cho rằng ECB sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt này chỉ sau một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm nữa - động thái mà các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ phải thận trọng, để ngỏ các tùy chọn. Lạm phát lõi của Eurozone vẫn còn cao và chưa giảm nhiều so với mức kỷ lục, nên một số quan chức ECB theo chủ nghĩa cứng rắn vẫn đang cân nhắc việc tăng lãi suất sau mùa hè.
Về phần mình, Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ nói rằng quan điểm chung ở Nhật Bản đang dịch chuyển dần khỏi niềm tin đã tồn tại nhiều thập kỷ ở nước này là giá cả tiêu dùng và tiền lương sẽ giữ ở mức thấp.
Tuy nhiên, tiêu dùng trong tháng 4 ở Nhật Bản giảm mạnh hơn cả dự báo của các nhà kinh tế học bi quan nhất. Tiền lương thực tế ở nước này cũng giảm tháng thứ 13 liên tiếp, ngay cả khi các tổ chức công đoàn đàm phán thành công để có được đợt tăng lương lớn nhất trong 3 thập kỷ tại các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân năm nay.
Tất cả những yếu tố này củng cố quan điểm của thị trường cho rằng còn quá sớm để BOJ có bất kỳ động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ nào trong cuộc họp vào ngày thứ Sáu tuần này.
Ông Ueda đã phát tín hiệu rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sẽ duy trì cho tới khi tiền lương tăng và lạm phát ổn định và bền vững. Tuy nhiên, BOJ trong lịch sử đã có không ít lần đưa ra những động thái chính sách bất ngờ, đồng nghĩa việc đặt niềm tin quá mức vào sự “bất định” trong chính sách tiền tệ của BOJ có thể đặt nhà đầu tư vào thế dễ tổn thương.