Mặc dù Donald Trump gần như vắng mặt ở New York trong tuần vừa rồi giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới tham dự kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở thành phố này, vị ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa vẫn là một chủ đề “nóng” trong các cuộc thảo luận bên lề sự kiện.
“Ai cũng lo sợ khả năng ông ta rốt cục có thể thắng trong cuộc bầu cử”, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức châu Âu nói ở New York. Theo vị này, so với việc Trump trở thành Tổng thống Mỹ, thì việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có vẻ dễ chịu hơn nhiều.
Một loạt chính phủ ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latin đã công khai chỉ trích một số lập trường chính sách đối ngoại của Trump. Thậm chí, vào tháng trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande còn nói rằng Trump “khiến người ta chỉ muốn nôn mửa”.
Tuy nhiên, cho tới gần đây, giới chức các nước vẫn đinh ninh tin là bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, sẽ thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Giờ đây, khi bà Clinton chỉ dẫn trước ông Trump với khoảng cách chỉ 2% trong một số cuộc thăm dò dư luận cử tri Mỹ, các chính phủ bất ngờ nhận thấy rằng Trump hoàn toàn có khả năng trứng cử và họ cần phải điều chỉnh để kế hoạch để thích ứng với một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất khác so với dự tính ban đầu.
“Đến tận gần đây, những câu hỏi chính mà chúng tôi đặt ra vẫn là những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với một chính quyền Clinton mới, về các thỏa thuận thương mại, hoạt động can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài… Nhưng các cuộc thăm dò dư luận đang cho chúng ta thấy rằng ít nhất cần phải đánh giá nghiêm túc khả năng Trump có thể thắng”, một quan chức Australia nói.
Nếu như tại Mỹ, quan điểm của Trump về Nga là điểm gây nhiều tranh cãi nhất trong chính sách đối ngoại của ông, thì tại châu Âu và châu Á, việc ứng cử viên này chỉ trích mạnh mẽ các mối quan hệ liên minh truyền thống lại gây chú ý hơn cả.
Tại nhiều thời điểm trong chiến dịch tranh cử của mình, ông trùm bất động sản đã phát tín hiệu rằng nếu ông đắc cử, Mỹ có thể sẽ không bảo vệ đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Washington sẽ chi ít hơn cho việc bảo vệ an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giới ngoại giao ở Washington cho biết, trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng 7, đại diện từ chiến dịch tranh cử của Trump nói với họ rằng các tuyên bố của Trump về đồng minh của Mỹ không hẳn là đề xuất chính sách, mà là những tuyên bố mở đầu cho một cuộc đàm phán.
Nhưng trong mấy tuần gần đây, các đại sứ quán nước ngoài ở Washington lại nhận được chỉ dẫn về việc cần hiểu đúng hơn về ưu tiên chính sách của một chính quyền Donald Trump và những người có thể trở thành quan chức cấp cao trong chính quyền này.
“Chúng tôi được chỉ dẫn là cần có một kế hoạch chi tiết hơn cho trường hợp Trump trúng cử, những chính sách cụ thể mà chúng tôi nên kỳ vọng, và những nhân vật chủ chốt”, một quan chức châu Á cho biết. “Nhưng cho dù ở giai đoạn này, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì”.
Đối với các chính phủ trên thế giới, một trong những vấn đề phức tạp của cuộc bầu cử Mỹ lần này chính là sự chia rẽ giữa Trump và các thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa, trong đó nhiều nhân vật cấp cao của đảng này đã công khai ủng hộ bà Clinton.
Phần lớn đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại của Trump hiện nay là những người không mấy nổi tiếng, khiến giới ngoại giao ở Washington khó đoán biết hơn về chủ trương chính sách đối ngoại thực sự của ứng cử viên này.
Trong số các nhà lãnh đạo dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York tuần vừa rồi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi là người duy nhất lên tiếng ca ngợi Trump. Ông al-Sisi nói chắc chắn Trump sẽ là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Khi hỏi về đề xuất của Trump về cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, Tổng thống Ai Cập nói “trong các chiến dịch tranh cử tổng thống, luôn có nhiều tuyên bố được đưa ra, nhiều điều được nói ra, nhưng sau đó, việc lãnh đạo đất nước sẽ là một việc có đôi chút khác biệt”.
Hôm thứ Ba tuần trước, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả của việc Mỹ rút khỏi vai trò toàn cầu của nước này theo những cách như Trump đề xuất.
“Bạn có thể tưởng tượng một trận đấu bóng đá đang diễn ra mà trọng tài bỗng dưng đi về phòng thay đồ? Thoạt đầu, mọi người thấy thật là thú vị. Nhưng ngay sau đó, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn”, ông Blair phát biểu tại một sự kiện do hãng tin Reuters tổ chức ở New York.
Ông Blair nói thêm rằng bà Clinton là một người “thông thái, khôn ngoan, và chính trực”.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện khác ở New York, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Cho dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ, tôi vẫn tin rằng quan hệ Trung-Mỹ sẽ phát triển ổn định và theo chiều hướng tích cực”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate