September 16, 2009 | 18:41 GMT+7

Giới thiệu con nuôi: “Bộ Tư pháp chỉ nên gác cổng”

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật nuôi con nuôi với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành

Pháp luật tôn trọng quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
Pháp luật tôn trọng quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
Đổi mới cách thức giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài là một trong bốn điểm mới của dự luật nuôi con nuôi so với các quy định hiện hành.

Dự luật này được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/9 và sẽ được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp thứ bảy.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 200.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Trong hơn 5 năm qua, chỉ có khoảng 20.000 trẻ em được nhận làm con nuôi, trong đó trên 6000 trẻ làm con nuôi ở nước ngoài.

 "3 trong 1" dễ tiêu cực

Nhiều hạn chế của quản lý Nhà nước đối với việc nuôi con nuôi đã được Chính phủ đánh giá.

Một trong số đó là việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài còn có xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, chậm minh bạch hóa về tài chính.

Cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, việc các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện công việc " 3 trong 1 ", tức vừa tiếp nhận trẻ em vừa nhận viện trợ nước ngoài, vừa trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay đã dẫn đến nhiều vụ việc tiêu cực.

Để khắc phục tình trạng này, dự luật đã quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lại cho rằng, quy định này không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.

“Bộ Tư pháp cần tập trung làm tốt chức năng quản lý Nhà nước và là “người gác cổng” hiệu quả trong lĩnh vực này, còn việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng giải thích, việc giới thiệu trẻ làm con nuôi phải do cơ quan Nhà nước thực hiện, không thể giao cho tổ chức xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi ý nên có cơ chế mới để giải quyết việc giới thiệu trẻ làm con nuôi. “Có thể có hội đồng liên ngành để giới thiệu, trình chủ tịch tỉnh quyết định, không nên mang về Trung ương để giải quyết việc này , Phó chủ tịch nói.

Ưu tiên trong nước

Tăng cường nuôi con nuôi trong nước cũng là một điểm mới của dự luật.

Điều 3 của dự luật quy định nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi: trẻ em chỉ được giải quyết làm con nuôi người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, nếu sau khi đã tiến hành các biện pháp cần thiết mà không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

Về thứ tự ưu tiên giải quyết việc nuôi con nuôi, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài cũng xếp thứ tự sau cùng khi có nhiều người cùng muốn nhận một trẻ em làm con nuôi tại một thời điểm.

Tuy cũng là một điểm mới, song quy định hình thức "nuôi con nuôi trọn vẹn" tại dự thảo luật chưa nhận được sự đồng thuận.

Hình thức mới này sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ. Ngược lại, hình thức nuôi con nuôi như hiện nay (dự luật gọi là nuôi con nuôi đơn giản) không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý này.

Nhiều ý kiến thảo luận đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề nghị cân nhắc kỹ, vì sự khác biệt với truyền thống pháp luật, văn hóa của người Việt Nam.

“ Việc không quy định hình thức nuôi con nuôi mới sẽ tránh được sự xáo trộn các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, bảo đảm trẻ em được cho làm con nuôi không bị cắt đứt mối liên hệ với gia đình, quê hương gốc”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nói.

Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều ý kiến cũng đề nghị luật phải tạo cơ chế để bảo đảm thực sự quyền lựa chọn của trẻ em làm con nuôi, tránh tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate