August 02, 2021 | 15:00 GMT+7

"Giữ cánh" cho hàng không Việt: Cần một nghị quyết do Quốc hội ban hành

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt”

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, khó khăn tài chính của Vietnam Airlines đã được tháo gỡ nhờ vào Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc Hội và Nghị quyết số 194/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn 0% và không có tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng này cho Vietnam Airlines vay tối đa 4.000 tỷ đồng với thời hạn 364 ngày và được phép gia hạn 2 năm. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ tăng vốn điều lệ và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có trách nhiệm mua số cổ phần tăng thêm này.

Đáng chú ý, khi Vietnam Airlines vay vẫn phải đáp ứng một số điều kiện gồm: vay có tài sản bảo đảm; chỉ vay bổ sung vốn lưu động; lãi suất tự thỏa thuận với tổ chức tín dụng để phù hợp với khả năng tài chính giữa hai bên.

Tuy nhiên, theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay 12 tháng đối với vốn lưu động. Muốn được giữ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ và điều chỉnh thời hạn trả nợ giống Vietnam Airlines là vay 364 ngày, gia hạn tối đa 2 năm thì cần có một hành lang pháp lý trên luật như Nghị quyết của Quốc hội vừa được ban hành để các tổ chức tín dụng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không tư nhân nếu không vay vốn để tiếp tục duy trì hoạt động có thể sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính.

Do đó theo ông Hùng, vấn đề hiện nay là được bơm thanh khoản và bơm trong bao lâu quan trọng hơn nhiều so với việc có được vay với lãi suất thấp hay không.

Đồng thời, vị Tổng Thư ký này cũng cho rằng, riêng đối với ngành ngân hàng, Thông tư 03 có lẽ cần tiếp tục phải sửa đổi, nếu không các doanh nghiệp hàng không khó lòng tiếp cận được. Bởi lẽ, với diễn biến dịch bệnh vẫn bất định như hiện nay mà thời hạn quy định cơ cấu nợ sắn đến, chỉ cần bị chuyển sang nhóm nợ xấu thì cánh cửa vay vốn sẽ tự động đóng hết lại.

Thế nhưng, với các quy định tiếp cận vốn vay hiện hành, hầu như các hãng hàng không không đủ điều kiện, không đạt chuẩn. Trong khi đó, các hãng lại có sự đóng góp rất lớn đối với thu ngân sách, giải quyết việc làm và là “bạn đồng hành” với kinh tế du lịch, giao thương quốc tế, hội nhập.

"Bởi vậy, Chính phủ cần phải đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt về vấn đề này để tháo gỡ các rào cản vay vốn", ông Hùng đưa ra kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate