August 31, 2021 | 14:00 GMT+7

Giữ chân nhân sự để bứt tốc “hậu” Covid-19

Lưu Hà -

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp lữ hành vẫn luôn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, quan trọng nhất chính là yếu tố con người...

Vậy là đã sắp trôi qua những ngày hè mà chúng ta thường gọi là “mùa vàng” du lịch của năm. Ấy thế nhưng, dù đã chuyển hướng sang du lịch nội địa, các doanh nghiệp lữ hành vẫn chịu cảnh “ngủ đông” suốt những tháng hè do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hệ quả là hơn 90% đơn vị lữ hành đóng cửa, chỉ còn một số doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng nhưng cũng cắt giảm tối đa nhân sự, chỉ giữ lại bộ khung.

HƯỚNG DẪN VIÊN, GIỜ HỌ ĐANG LÀM GÌ?

Điều khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đau đầu nhất lúc này, theo chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, là giữ chân người lao động để doanh nghiệp có thể sẵn sàng quay trở lại hoạt động ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. “Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm, có khi phải mất hàng chục năm mới đào tạo được một lao động mới trở thành chuyên nghiệp,” ông Thắng nói.

Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, trước đại dịch,  Đà Nẵng có 56 nghìn lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Theo khảo sát mới nhất, đến thời điểm này, có khoảng 3/4 số lao động trong ngành du lịch đã tạm ngừng việc, thất nghiệp và rơi vào tình trạng chật vật.

Nhiều hướng dẫn viên phải chạy xe ôm, giao hàng, làm thợ cắt tóc, bán hàng online, khá hơn thì đi dạy ngoại ngữ,… thậm chí nhiều giám đốc, quản lý trong ngành du lịch cũng phải chuyển đổi ngành nghề như trồng rau sạch, bán gạo, mở cửa hàng thực phẩm, mở công ty vệ sinh công nghiệp,… Tất cả cốt để mưu sinh cuộc sống hàng ngày. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, liệu có ai còn tâm huyết để chờ đến ngày quay lại với du lịch khi thị trường hồi sinh?

Thực tế, nhiều lao động sau nghỉ việc đã tìm được việc thích hợp, có thu nhập tương đương như trước, đam mê với du lịch đã mai một đang khiến họ không có nhu cầu quay trở lại ngành. Việc dịch bệnh tái bùng phát lần này rồi lần khác khiến nhân sự ngành du lịch có xu hướng cho rằng công việc của mình ở trạng thái bấp bênh, vì vậy họ có xu hướng chuyển sang các công việc ổn định hơn. Rõ ràng nhân lực du lịch đang bị “bào mòn” gần hết trong đại dịch. Khi du lịch hồi sinh, bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ hết sức bức thiết.

Lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng cần được ưu tiên tiêm vaccine để có thể sẵn sàng hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng cần được ưu tiên tiêm vaccine để có thể sẵn sàng hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Về phía Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, gần đây nhất là Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nhân sự ngành du lịch. Theo đó, kinh phí hỗ trợ với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch theo quy định tại Nghị quyết số 68 là 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết vẫn chưa nhận được hỗ trợ do vướng mắc trong điều kiện. 

Cụ thể, hướng dẫn viên chỉ được hỗ trợ khi có thẻ hành nghề và có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch... Trong khi đó, gần 90% số hướng dẫn viên đang hoạt động là hướng dẫn viên tự do, đa phần được ký hợp đồng thời vụ, hợp đồng vụ việc theo tour... Chính vì vậy, nhiều hướng dẫn viên mong mỏi sẽ có sự linh hoạt để nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ.

CHUẨN BỊ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ LẠI

Có thể nói, qua bốn lần dịch bùng phát, nhân lực du lịch xuất hiện một khoảng trống rất lớn không thể khỏa lấp trong ngày một ngày hai. Việc giữ chân những lao động chuyên nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch là bài toán cần giải bằng nhiều phương pháp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, doanh nghiệp nên cố gắng giữ một bộ phận nhân sự tối thiểu, duy trì kết nối bằng cách giao ban trực tuyến hàng tuần, lập các nhóm tương tác để trao đổi nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn. Đồng thời vẫn cần trả một phần lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ được đóng bảo hiểm xã hội. Các nhân sự có kỹ năng bán hàng, marketing, phiên dịch, truyền thông… có thể tạo điều kiện để họ được làm nghề tay trái, bù đắp thu nhập trong khi chưa biết khi nào đại dịch kết thúc.  

Từ phía Hiệp hội du lịch, ông Cao Chí Dũng chia sẻ, việc duy trì lực lượng lao động du lịch phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất là các chính sách hỗ trợ của chính phủ, của các địa phương, hiệp hội. Thứ hai là dựa vào khả năng của từng doanh nghiệp cả về tiềm lực tài chính lẫn độ linh hoạt chuyển đổi công việc thay thế. Thứ ba là ở chính người lao động. Người lao động một mặt chủ động tìm kiếm công việc tạm thời nhưng vẫn giữ đam mê với ngành để có thể trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.

Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng sớm phục hồi.
Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng sớm phục hồi.

Ông Dũng nêu dẫn chứng, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch thành phố đã phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố, nhiều tổ chức nghề nghiệp để triển khai các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, nhất là việc chuyển đổi số để người lao động có được một số nhóm chuyên môn mới. Đà Nẵng cũng tạo điều kiện để người lao động trong lĩnh vực du lịch được tiếp cận một số nguồn vay không thế chấp nhằm trang trải cuộc sống. “Những biện pháp này của Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ duy trì được nguồn lao động du lịch để sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường,” ông Dũng bày tỏ.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, công ty tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 60 người lao động để chuẩn bị cho “chiến dịch du lịch bình thường mới”, dự kiến khởi động ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. “Chúng tôi giúp người lao động có thêm kỹ năng sử dụng mạng xã hội để quảng bá, xây dựng sản phẩm, xử lý tình huống phát sinh ca nghi nhiễm Covid-19,” ông Phùng Quang Thắng nói.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty VietFoot Travel thì cho rằng tốc độ phục hồi của du lịch phụ thuộc nhiều vào tốc độ tiêm vaccine toàn dân, chỉ khi xã hội an toàn, người dân mới an tâm để đi du lịch. Cùng với đó, lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng cần được ưu tiên tiêm vaccine để có thể sẵn sàng hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Qua đại dịch có thể thấy, nguồn tài nguyên vẫn còn đó, tài sản cố định vẫn còn đó nhưng nguồn nhân lực du lịch - yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ lại có thể biến động. Lao động chuyển nghề, bỏ nghề có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp lữ hành. Vì thế giữ chân lao động cũ hiệu quả hơn đào tạo mới”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate