Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo: nếu không chủ động kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và để cho chỉ số này tăng trên 10% thì việc lạm phát đang rình rập trở lại là nguy cơ nhãn tiền.
Đánh giá về giới hạn CPI tăng dưới 10%, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói:
- Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu cần phải giám sát là chỉ số giá tiêu dùng. Một trong 4 chỉ tiêu đưa ra Quốc hội đề nghị điều chỉnh lần này là CPI điều chỉnh từ dưới 15% xuống còn dưới 10%.
Nếu Chính phủ không tích cực, cứ theo nghị quyết trước đây của Quốc hội giữ chỉ số giá tiêu dùng là dưới 15% thì khả năng phòng ngừa tái lạm phát sẽ yếu hơn nhiều. Quá trình thực hiện các giải pháp kích cầu, kích thích kinh tế cộng với xu hướng nhích lên của giá cả thế giới, cũng tạo ra các yếu tố tác động làm tăng mặt bằng giá trong nước.
Vì vậy, để kiểm soát được tình hình không gây ra tái lạm phát, đồng thời bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kích thích kinh tế, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% trong năm 2009.
Khả năng khống chế lạm phát dưới một con số theo đề xuất của thực hiện có triển vọng hoàn thành được không, thưa ông?
CPI 5 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng khoảng 2,12% so với tháng 12 năm 2008. Với tốc độ tăng như vậy, việc kiểm soát được CPI tăng chỉ trong khoảng từ 6 đến 7%, dưới hai con số, trong giới hạn an toàn, là điều chúng ta có thể thực hiện được. Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để chỉ số đó càng thấp càng tốt.
Mặt khác, việc Chính phủ đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh tăng dưới 10%, tức chỉ số lạm phát chỉ có một con số còn là để đảm bảo khả năng thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ chặt chẽ hơn. Chính phủ cũng đề ra giải pháp phải tăng thu và tỉ lệ bội chi không quá 8%.
Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý trong vấn đề quản lý đầu tư cần hiệu quả hơn, chi thường xuyên phải tiết kiệm hơn để đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách.
Những khoản chi hiện nay là cần thiết vì chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi cho an sinh xã hội, vì thế sẽ tiết kiệm một số khoản chi khác.
Các chỉ tiêu khác đang được Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh như GDP, bội chi..., nhiều đại biểu Quốc hội đều chung nhận xét rằng các con số đó sẽ là những thách thức lớn. Cảm nhận của ông trước sự e ngại này?
Chính phủ đều đã tính toán rất kỹ trước khi đưa ra các đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu như vậy.
Chẳng hạn, khi đưa ra dự báo GDP tăng 5%, chúng tôi đã tính toán kỹ trên cơ sở dự báo của các cơ quan nghiên cứu của chúng tôi. Tất cả các nguồn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng từ 4,5-5,6%, một số dự báo còn đưa ra mức tăng trưởng từ 4,69-5,67%.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại của năm 2009 sẽ tăng cao hơn quý 1 (3,1%): quý 2 tăng 3,8-4,2%, quý 3 tăng 5,6-6,5%, quý 4 tăng 6,8-7,4%; và cả năm dự báo có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 5-5,5%. Vì thế chúng tôi mới trình ra Quốc hội con số khoảng 5%, nghĩa là có thể dưới hoặc có thể trên 5%.
Căn cứ để đưa ra dự báo này là tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp và khu vực dịch vụ. Nông nghiệp tăng khoảng 3%; công nghiệp mặc dù quý 1 giảm nhưng đang có xu hướng tăng. Với khả năng của thị trường và phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi dự báo công nghiệp năm 2009 tăng trên 5%. dịch vụ cũng vậy.
Con số bội chi dưới 8% cũng được tính toán kỹ. Dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 có thể phải điều chỉnh tăng lên theo các phương án giá dầu thô như trường hợp giá dầu thô đạt 70 USD/thùng, bội chi ngân sách nhà nước là 87.300 tỷ đồng (4,82% GDP).
Trường hợp giá dầu thô đạt 60 USD/thùng, bội chi ngân sách nhà nước là 116.300 tỷ đồng (6,4% GDP). Trường hợp giá dầu thô đạt 50 USD/thùng, bội chi ngân sách nhà nước là 130.300 tỷ đồng (7,2% GDP). Trường hợp giá dầu thô đạt 40 USD/thùng, bội chi ngân sách nhà nước là 150.300 tỷ đồng (8,3% GDP).
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 tối đa khoảng 8% GDP, tuỳ theo biến động của giá dầu thô thế giới.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước đến mức thấp nhất, trong phạm vi Quốc hội cho phép, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước để trong vòng 5 năm (2009-2013) bình quân ở mức 5% GDP. Bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cho phép. Nhiều ý kiến lo ngại đây là con số quá cao.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mức bội chi ngân sách năm 2009 trên GDP của Mỹ vào khoảng 13,6%, tăng 2,2 lần so với năm 2008; của Anh là 9,8%, tăng 1,81 lần thì mức bội chi đó của chúng ta cũng không có gì là khác thường.
Giá dầu thô thế giới tại thời điểm hiện nay (tháng 5/2009) đã sát 60 USD/thùng; giá dầu thô thanh toán của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm cũng đạt bình quân khoảng 45 USD/thùng.
Với xu thế này, nhiều khả năng giá dầu bình quân cả năm sẽ đạt trên 50 USD/thùng. Khi đó việc kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 dưới mức 8% là có thể thực hiện được.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate