August 29, 2022 | 15:58 GMT+7

Giữa khủng hoảng năng lượng, những nhóm cổ phiếu nào “gãy cánh”, nhóm nào “lên hương”?

An Huy -

Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến lạm phát tăng vọt trên toàn cầu đang ngày càng căng thẳng hơn, đặt các nhà giao dịch cổ phiếu trước thách thức xác định đâu là lĩnh vực nên tránh và đâu là lĩnh vực phù hợp để rót vốn...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Kịch bản thảm hoạ xuất hiện trong năm nay đã “vùi dập tơi tả” thị trường chứng khoán thế giới, dẫn tới một đợt bán tháo dữ dội trong nửa đầu năm. Bước sang mùa hè, thị trường đã hồi phục một phần tổn thất, nhưng khủng hoảng năng lượng liên tục leo thang và chưa có dấu hiệu của hồi kết đang đặt ra trở ngại lớn cho triển vọng phục hồi xa hơn của giá cổ phiếu trên khắp các thị trường - hãng tin Bloomberg nhận định.

Giá năng lượng tăng vọt cùng với sự thắt chặt nguồn cung đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp ở mọi quốc gia từ Trung Quốc tới Đức và Mỹ. Tình trạng leo thang giá năng lượng đẩy chi phí gia tăng và đe doạ bào mòn tỷ suất lợi nhuận, đồng thời cũng khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, gây suy giảm nhu cầu. Từ các tập đoàn công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt cho tới các nhà bán lẻ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng mở ví của người tiêu dùng, thiệt hại đang lan rộng.

NHỮNG NHÓM CỔ PHIẾU KHỐN ĐỐN VÌ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Mức độ phụ thuộc lớn của Đức vào nguồn năng lượng hoá thạch từ Nga đã khiến các doanh nghiệp lớn của nước này trở nên đặc biệt dễ tổn thương trong khủng hoảng năng lượng. Ngân hàng Mỹ Citigroup đã thiết lập một rổ cổ phiếu có mức độ nhạy cảm lớn với cú sốc khí đốt, bao gồm công ty hoá chất Covestro AG, hãng thép Thyssenkrupp AG và tập đoàn thiết bị công nghiệp Siemens AG. Phân tích của Citigroup cho thấy nhóm cổ phiếu này đuối hơn nhiều so với chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu từ đầu năm đến nay.

Giữa khủng hoảng năng lượng, những nhóm cổ phiếu nào “gãy cánh”, nhóm nào “lên hương”? - Ảnh 1

Những cổ phiếu công nghiệp và hoá chất Đức có mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, gồm cổ phiếu BASF, Siemens, EON và Uniper, trong tương quan so sánh với chỉ số Stoxx 600. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg.

Khi nguồn cung năng lượng ngày càng siết chặt, cổ phiếu bán lẻ là một nhóm nữa rơi vào bất lợi lớn. Ở Mỹ trong tuần trước, hai “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ đã nhắc nhở nhà đầu tư rằng bất kỳ mối lo nào về lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại cũng hoàn toàn có cơ sở. Cổ phiếu Nordstrom Inc. giảm 20% chỉ trong một phiên giao dịch sau khi công ty cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm. Macy’s Inc. cũng hạ dự báo kết quả kinh doanh cả năm. Tại Anh, một chỉ số đo giá cổ phiếu của ngành bán lẻ đã giảm khoảng 35% trong năm nay.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng này đã dẫn tới mức độ bấp bênh và lo ngại lớn trên thị trường. Giá cả tăng cao đang đẩy lạm phát lên và khiến cho năng lực sản xuất công nghiệp suy giảm, làm tồi tệ hơn tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng”, nhà nghiên cứu Clive Burstow của công ty phân tích Barings ở London nhận định.

Lạm phát tăng cao cũng dẫn tới phản ứng quyết liệt từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bằng cách tăng mạnh lãi suất để khống chế đà tăng của giá cả.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuyên bố này đẩy lùi một số kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm thay đổi lập trường. Một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng muốn thảo luận khả năng tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9.

“Thực lòng mà nói, người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá cả tăng đối với tất cả mọi thứ”, chiến lược gia Ben Powell thuộc BlackRock Investment Institute phát biểu. Ông Powell cho rằng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết “có vẻ hơi xấu trong vài quý tới”.

Số liệu mới về dòng vốn toàn cầu của công ty dữ liệu EPFR phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Các quỹ chứng khoán toàn cầu chứng kiến mức thoái vốn ròng 5,1 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 24/8, trong đó chứng khoán Mỹ bị nhà đầu tư rút vốn ròng lần đầu tiên sau 3 tuần.

Việc Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu đồng nghĩa với việc giá năng lượng ở khu vực này đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS nói rằng nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone đang suy thoái rồi. Tuần trước, ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone, cho rằng nền kinh tế khu vực này sẽ suy giảm sâu hơn so với mức dự báo trước đó, bắt đầu từ quý 4 năm nay. Tại Anh, hoá đơn năng lượng của các hộ gia đình dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong mùa đông năm nay, giữa lúc tốc độ lạm phát ở Anh đang cao nhất 4 thập kỷ.

Áp lực từ sự leo thang của giá cả được cảm nhận ở hầu như tất cả mọi quốc gia, buộc các chính phủ phải nhanh chóng tìm biện pháp ứng phó. Nhật Bản đang có kế hoạch mở lại các nhà máy điện hạt nhân, trong khi Đức muốn khôi phục lại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Ở Kosovo, việc cắt điện luân phiên đang được triển khai và nhiều quốc gia khác có thể sớm hành động tương tự để tiết kiệm nguồn năng lượng ngày càng trở nên ít ỏi.

Việc chia khẩu phần điện có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm các nhà sản xuất con chip vốn phải sử dụng lượng điện năng lớn để làm ra những linh kiện bán dẫn có kích thước nhỏ nhưng giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Thiệt hại đang lây lan với tốc độ nhanh chóng giữa các hãng công nghiệp và hoá chất. Hai công ty hoá chất lớn của châu Âu là Yara International ASA và Grupa Azoty SA đều đã tuyên bố cắt giảm sản lượng phân bón. Nguồn cung phân bón giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, dẫn tới áp lực tăng giá lương thực-thực phẩm. Các hãng sản xuất ô tô của Mỹ cho biết giá năng lượng tăng cao đang đe doạ sản lượng của họ, trong khi một nhà máy của hãng xe Nhật Bản Honda ở Trung Quốc đã phải đóng cửa vì bị cúp điện.

“Các chính phủ có thể in tiền để giải cứu nền kinh tế, nhưng họ không thể in ra khí đốt được”, chiến lược gia chứng khoán toàn cầu Beata Manthey của Citigroup nhận định. “Ngoài lĩnh vực công nghiệp và hoá chất, tôi lo ngại về những cổ phiếu tăng trưởng có tính chu kỳ vẫn đang được giao dịch ở mức định giá cao, nhất là trong các lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ và bán lẻ”.

NHẬN DIỆN NHỮNG NHÓM CỔ PHIẾU TIỀM NĂNG

Việc tránh những nhóm cổ phiếu gặp ảnh hưởng bất lợi mới chỉ là một nửa vấn đề trong bất kỳ cuộc khủng hoảng. Nửa còn lại trong ưu tiên của các nhà giao dịch cổ phiếu là nhận diện những nhóm cổ phiếu có tiềm năng mang lại lợi nhuận. Ở thời điểm hiện tại, tiềm năng lớn nhất đang nằm ở các công ty hàng hoá cơ bản, từ doanh nghiệp dầu khí cho tới các hãng khai quặng. Ở châu Âu, một chỉ số đo giá cổ phiếu năng lượng đã tăng 26% trong năm nay.

“Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để mua vào trong lĩnh vực năng lượng”, CEO Gary Dugan của Global CIO Office phát biểu trên Bloomberg. “Có thể thấy rằng lợi nhuận lớn và cổ tức cao đang khiến cho cổ phiếu dầu khí đang đặc biệt hấp dẫn ở Mỹ, nơi có rủi ro về thuế thấp hơn đối với lĩnh vực này”.

 

Công ty quản lý gia sản Bank of America Private Wealth Management đang theo đuổi chiến lược được gọi là FAANG 2.0 gồm các nhóm ngành xăng dầu (fuels), hàng không vũ trụ và quốc phòng (aerospace and denfense), nông nghiệp (agriculture), năng lượng hạt nhân và năng lượng tái sinh (nuclear and renewables), vàng và kim loại (gold and metals).

Công ty quản lý gia sản Bank of America Private Wealth Management đang theo đuổi chiến lược được gọi là FAANG 2.0 gồm các nhóm ngành xăng dầu (fuels), hàng không vũ trụ và quốc phòng (aerospace and denfense), nông nghiệp (agriculture), năng lượng hạt nhân và năng lượng tái sinh (nuclear and renewables), vàng và kim loại (gold and metals). (FAANG 1.0 được hiểu là những cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng lớn gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Goolge).

“Đây là một cuộc đặt cược vào tài sản cứng và quyền lực cứng”, chiến lược gia trưởng Joseph Quinlan của Bank of America Private Wealth Management phát biểu. “Đó là nơi chúng tôi đang ẩn náu, và chiến lược này phát huy hiệu quả khá tốt trong tương quan so sánh với phần còn lại của thị trường”.

Việc các chính phủ và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái sinh nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch cũng tăng cường triển vọng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lý do để rót vốn vào cổ phiếu năng lượng tái sinh còn chưa rõ ràng. Đó là bởi việc phát triển năng lực, xây dựng hạ tầng và cập nhật mạng lưới để đón nhận năng lượng xanh đòi hỏi phải có thời gian và thiết bị công nghiệp làm từ thép và nhôm - những nguyên liệu đang bị thiếu.

Trong khi đó, với tất cả những tin tức hàng ngày về sự leo thang của giá năng lượng và ảnh hưởng của việc này đến các hộ gia đình, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty, các nhà giao dịch cổ phiếu sẽ phải chấp nhận thực tế rằng họ đang ở trong một thế giới mới mà chưa biết tới khi nào những thách thức mới được giải toả.

“Tôi cảm thấy rằng thị trường có vẻ như đã phần nào quen với cuộc khủng hoảng năng lượng”, chiến lược gia Mehvish Ayub thuộc công ty tư vấn State Street Global Advisors nói với Bloomberg. “Hồi đầu năm nay, đây là một cú sốc rất lớn. Bây giờ, cuộc khủng hoảng đã trở thành một phần trong bức tranh vĩ mô và chúng ta chỉ còn hướng sự chú ý tới các yếu tố nền tảng liên quan đến lợi nhuận của các công ty niêm yết”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate