Vn-Index đã có một tuần giao dịch đi vào lịch sử chứng khoán sau 15 năm lặp lại ám ảnh kinh hoàng. Đà bán tháo của nhà đầu tư trong nước diễn ra diện rộng trước những áp lực giải chấp của lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp, thanh khoản tắc nghẽn, call margin, giải chấp chéo... Nhiều nhà đầu tư F0 thua lỗ, gần như mất trắng sau hai năm lăn lộn với thị trường. Tâm lý hoảng loạn bao trùm cả thị trường. Riêng phiên giao dịch 10/11, hơn 310 mã kịch sàn, chỉ số bục đáy rơi về vùng giá của cách đây 2 năm trước khi Covid hoành hành.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số hồi về 954 điểm tương ứng tăng 7,29 điểm nhờ những thông tin tích cực từ phía bên kia bán cầu khi Mỹ công bố CPI giảm mạnh so với tháng trước, chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh nhất sau 2 năm.
Tranh thủ lúc thị trường chiết khấu sâu, khối ngoại chi tiền gom mạnh. Thống kê trên HoSE cho thấy, phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại mua ròng 136,8 triệu đơn vị, tương đương mua ròng 2.485,4 tỷ đồng. Trên HNX khối ngoại mua 48,3 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối ngoại tiếp tục duy trì chuỗi mua ròng với giá trị ròng đạt 17 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 140 triệu đơn vị, tương đương mua ròng lên tới 2.550,8 tỷ đồng, gấp tới 28 lần so với phiên trước.
Trong ba phiên giao dịch đầu tuần, khối ngoại cũng gom ròng mỗi phiên hơn 500 tỷ đồng. Riêng phiên 10/11, khối ngoại gom ròng nhẹ không đáng kể.
Tính chung cả tuần giao dịch qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4.000 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam. Top những cổ phiếu được khối ngoại gom ròng nhiều nhất gồm KDH 532 tỷ đồng; VHM 296 tỷ đồng; DGC 234 tỷ đồng; SSI 189 tỷ đồng; VND 175 tỷ đồng; POW 183 tỷ đồng; VNM 163 tỷ đồng. BID, DPM, MSN cũng được nhóm nhà đầu tư này mạnh tay giải ngân. Riêng phiên giao dịch 11/11, khối ngoại mua nhiều nhất ba cổ phiếu STB, KDH và HPG giá trị lần lượt 403 tỷ đồng; 388 tỷ đồng và 224 tỷ đồng.
Quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài do đó đã tăng lên đáng kể, chiếm tỷ trọng 32% toàn thị trường, con số này tăng gấp 3 lần so với cách đây chỉ 2 tháng. Trong khi đó, quy mô giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước giảm mạnh từ 90% toàn thị trường xuống hiện chỉ còn 70%.
Quy mô này phù hợp với tình hình giao dịch của nhà đầu tư trong nước khi bán tháo ròng rã suốt một tháng trở lại đây. Số tài khoản mở mới vì thế cũng giảm mạnh. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 96.427 tài khoản chứng khoán trong tháng 10, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 96.290 tài khoản và các tổ chức mở mới 137 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục giải ngân cũng phù hợp với nhận định của họ về thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Hầu hết các quỹ ngoại đều đánh giá triển vọng chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong trung và dài hạn hấp dẫn nhờ tăng trưởng kinh tế được duy trì, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chưa kể, với mức sụt giảm mạnh từ đầu năm, chứng khoán Việt được đánh giá hấp dẫn hơn so với toàn cầu khi mà hầu hết các thị trường đều đã hồi phục đáng kể trong vòng một tháng qua.
Trong vòng một tháng qua, chỉ số S&P 500 tăng hơn 8%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 7,3%; Sensex của Ấn Độ tăng 5,8%; PCOMP của Philippines tăng 7,2%; NKY của Nhật tăng 6,1%. Các chỉ số gồm MSCI thị trường phát triển tăng 7,1%. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam giảm 9,2% trong vòng 1 tháng 10 và 24,8% trong vòng 3 tháng. Hiện tại, Vn-Index còn 960 điểm, chính thức bục đáy 1.000 điểm.
Chứng khoán Mirae Asset, sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây khiến định giá của VN-Index hấp dẫn hơn trước.
Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới, theo mức dự phóng đồng thuận của thị trường được thống kê bởi Bloomberg. Chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10–10,7 lần tức là, ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn, là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.