February 28, 2022 | 11:21 GMT+7

Giữa lúc trừng phạt trút xuống, Nga tuyên bố gom mua vàng

Điệp Vũ -

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa tuyên bố sẽ bắt đầu mua vàng trở lại sau hai năm tạm ngừng hoạt động này. Thời điểm cuối tháng 1 năm nay, Nga có hơn 2.000 tấn vàng trong dự trữ quốc gia, chiếm hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối, trở thành nước có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên toàn cầu...

Những thỏi vàng nặng 12 kg tại một nhà máy ở Kasimov - Ảnh: Bloomberg.
Những thỏi vàng nặng 12 kg tại một nhà máy ở Kasimov - Ảnh: Bloomberg.

Trước đó, Nga đã có nhiều năm gom vàng, góp phần quan trọng vào sự tăng giá trên thị trường vàng thế giới trong suốt một thập kỷ trở lại đây.

Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố của CBR cho biết cơ quan sẽ mua vàng trở lại trên thị trường vàng trong nước. Động thái này diễn ra trong lúc Nga hứng đòn trừng phạt nặng nề từ phương Tây do việc nước này tấn công Ukraine.

Vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã nhất chí chặn một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt bổ sung nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó làm suy yếu nền kinh tế và tài chính của nước Nga. Trong số các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga trong cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine tính đến thời điểm này, đây là đòn khắc nghiệt nhất.

CBR đã có 6 năm mua ròng vàng liên tiếp, đưa dự trữ vàng quốc gia của Nga tăng gấp đôi và trở thành ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhiều nhất trong khoảng thời gian đó. Nhu cầu mua vàng của Nga đã trở thành một trụ cột cho thị trường trong những năm nhu cầu của giới đầu tư vàng toàn cầu trầm lắng.

Tuy nhiên, CBR dừng mua ròng vàng vào tháng 3/2020 khi giá vàng tăng vọt vào thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Từ đó đến nay, dự trữ vàng của Nga gần như không có thay đổi đáng kể nào.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Giá vàng thế giới đã biến động chóng mặt trong tuần trước, khi nhà đầu tư liên tục có những phản ứng mạnh với việc Nga đưa quân vào Ukraine và bị đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giá vàng có lúc lên gần 1.970 USD/oz, cao nhất trong hơn 1 năm, rồi giảm về dưới mốc 1.900 USD/oz.

Sau đòn trừng phạt mới nhất mà phương Tây áp lên Nga, giá vàng lại tăng mạnh.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.910.8 USD/oz, tăng 20,8 USD/oz, tương đương tăng 1,1% so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại New York. Trước đó trong sáng nay, có thời điểm giá vàng tăng hơn 2%, vượt mốc 1.930 USD/oz. Từ đầu tháng tới nay, giá vàng đã tăng hơn 6%.

Theo chiến lược gia Nicky Shiels thuộc MKS PAMP SA, Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác vàng để tự đáp ứng nhu cầu tăng dự trữ vàng quốc gia, và việc CBR mua vàng có thể được thị trường xem là một nhân tố thúc đẩy vàng tăng giá. Tuy nhiên, bà Shiels cũng cho rằng mục đích chính của việc CBR gom mua vàng trong nước là nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi vàng thành tiền mặt khi cần.

“Về mặt kỹ thuật, việc Nga mua vàng không ảnh hưởng đến nguồn cung vàng trên thị trường toàn cầu. Việc này chẳng qua có ảnh hưởng về mặt tâm lý mà thôi”, bà Shiels nói. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này nói các nhà đầu tư cần lưu ý về khả năng Nga bán dự trữ vàng, đặc biệt là trong trường hợp đồng Rúp rớt giá mạnh.

Hoạt động mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương đã giữ vai trò một nguồn cầu quan trọng đối với vàng trong năm qua, bên cạnh sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ nữ trang ở khu vực châu Á. Trong năm 2021, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng 463 tấn vàng, tăng hơn 80% so với năm 2020 – theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Quốc tế (WGC).

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ở thời điểm cuối tháng 1 năm nay, Nga có hơn 2.000 tấn vàng trong dự trữ quốc gia, chiếm hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối. Nắm giữ số vàng lớn như vậy, Nga là nước có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên toàn cầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate