Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ.
Dự thảo đưa ra phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải thể hiện tại Quyết định 1977/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ về dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, về dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe, dự thảo Nghị định cũng thực hiện sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 6 theo hướng chỉ quy định: cơ sở đào tạo lái xe có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị mà không yêu cầu các xe tập lái này phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Nghị định thực hiện sửa đổi khoản 1 Điều 12b theo hướng bỏ quy định đơn vị kinh doanh phải có “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ hoặc Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu)” trong thành phần hồ sơ đề nghị chấp thuận cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm quy định pháp lý cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông, thẩm tra viên an toàn giao thông thực hiện các thủ tục hành chính như: chấp thuận cơ sở đào tạo, thủ tục cấp lại Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, cấp đổi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, cấp lại chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Đóng góp về dự thảo Nghị định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đảm bảo tinh thần cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét mở rộng việc sửa đổi các quy định so với các đề xuất tại Quyết định 1977/QĐ-TTg.
Cụ thể, thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2018/NĐ-CP, Nghị định 64/2016/ND-CP, Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại giấy chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, theo quy định tại khoản 4 Điều 12b, thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đào tạo trong trường hợp giấy chứng nhận bị mất, bị hư hỏng là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Tuy nhiên, theo VCCI, đây là thủ tục rất đơn giản vì vậy cần cân nhắc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Đây cũng là thời hạn được đề xuất trong một số thủ tục tương tự trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là lĩnh vực hàng hải – cũng đang được sửa đổi, bổ sung.
Về điều kiện của học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12c, học viên phải “có năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe”.
VCCI cho rằng, đây là điều kiện không cần thiết vì là đương nhiên. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực có nhiều đề xuất cắt giảm dạng điều kiện này. Vì vậy, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này tại dự thảo.
Thứ hai, về sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe.
Điều 3 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP theo hướng “Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái. Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái”.
VCCI cho rằng, quy định trên chưa thống nhất với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP về xe tập lái.
Cụ thể, điểm a yêu cầu “xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe” trong khi đó, điểm b lại yêu cầu xe tập lại “thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe”.
Vì vậy, VCCI đề nghị xem xét lại trong chính quy định tại khoản 2 về xe tập lái để đảm bảo tính thống nhất.