Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hiện sở này đang thụ lý 117 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, được phân loại thành các nhóm chính.
Trong đó, nhóm 55 dự án đang được xem xét giải quyết theo quy định được phân thành 03 nhóm nhỏ.
PHÂN LOẠI CÁC NHÓM GẶP KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Cụ thể, nhóm 1: là các dự án gặp khó khăn do vướng mắc quyết định pháp luật có 03 dự án: Dự án Chung cư cao tầng Đầm Sen Tower của CTCP May Phú Thịnh – Nhà Bè; Dự án CTCP Đầu tư Thương mại VIMEC của CTCP Đầu tư Thương mại VIMEC; Dự án Khu nhà ở Sài Gòn – Thới An tại quận 12 của CTCP Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhóm này vướng mắc về quy định pháp luật thuộc thẩm quyền xủa Chính phủ (vướng mắc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá).
Nhóm 2 gồm các dự án đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có 03 dự án: Dự án Khu nhà ở cao tầng A22 – Phong Phúc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương; Khu phức hợp cao tầng, thương mại dịch vụ và căn hộ tại quận Bình Thạnh – Saigon Panorama của CTCP Đầu tư Vinh Phát; Dự án Khu dân cư tại Lô số 6 – khu 9A+B – Khu đô thị mới Nam thành phố của CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đáng chú ý, nhóm 3 gồm các dự án có vướng mắc khác thuộc thẩm quyền xem xét của TP.HCM có 49 dự án.
Phân theo tiến độ thực hiện, có 33 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến các cơ quan (nhưng chưa nhận được đủ ý kiến) và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
Có 03 dự án đã có đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình UBND TP.HCM.
Có 07 dự án đang được các sở ngành rà soát nội dung có liên quan.
Có 03 dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP.HCM báo cáo thẩm định nhưng chưa có chỉ đạo (dự án Khu nhà ở thấp tầng – Harina của CTCP Đầu tư Thịnh Phúc Hải).
Có 03 dự án có văn bản đề nghị tạm ngừng xử lý dự án của nhà đầu tư.
Phân theo khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư phân ra từng trường hợp.
Trong đó, có 22 dự án gặp khó khăn, vướng mắc do chưa hoàn tất thủ tục trình UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 148 (ngày 18/12/2020) của Chính phủ (Nghị định số 148). Chẳng hạn, dự án Khu căn hộ Điền Phước Thành của Công ty TNHH Bất động sản Điền Phước Thành quy mô 0,6 ha; dự án Nhuận Đức Resort của CTCP Đầu tư Xây dựng B.M.T quy mô 3,3 ha; Khu dân cư Tân Túc của CTCP Sản xuất Thương mại Inox Nguyễn Minh quy mô hơn 14,3 ha…
Có 15 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc xử lý đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (kênh, rạch, đường đi…) xen cài trong ranh dự án theo quy định tại Nghị định số 148. Chẳng hạn, dự án Khu nhà ở Hoà Bình quy mô 3 ha, vốn đầu tư 597 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình; dự án Khu dân cư NBB Garden 3 quy mô hơn 7,7 ha của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy; dự án Khu nhà ở kết hợp Thương mại – Dịch vụ -Văn phòng tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức quy mô hơn 95 ha của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Sun City…
Có 06 dự án gặp khó khăn, vướng mắc vì chưa có trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM. Chẳng hạn, dự án Khu nhà ở thấp tầng Thăng Long tại lô II.11; II.12 và II.14 Khu đô thị mới Đông Tăng Long của CTCP Địa ốc Thăng Long; dự án Khu dân cư phường Tân Hưng Thuận của CTCP Phát triển Nhà We Land; Khu dân cư Trường Thịnh Nguyễn Xiển của Công ty TNHH Thành Phong Land…
Có 05 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Chẳng hạn, dự án Khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè quy mô gần 16,7 ha, vốn đầu tư 2.159 tỷ đồng của CTCP Bất động sản Nhà Bè; Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành; Nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê TTH Tân Phú của Công ty TNHH TTH Tân Phú…
Có 05 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc chưa đảm bảo phương án kết nối giao thông. Chẳng hạn, dự án Khu chung cư kết hợp thương mại dịch vụ lô G của CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Giggamall Việt Nam; Dự án Khu nhà vườn Kim Tâm Hải của CTCP Kim Tâm Hải…
Dưới đây là một số dự án nằm trong danh sách 49 dự án có vướng mắc khác thuộc thẩm quyền xem xét của UBND TP.HCM (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM).
PHƯƠNG HƯỚNG XỬ LÝ
Đề xử lý các vướng mắc, khó khăn mà các dự án gặp phải, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đối với thủ tục chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị định số 148 thì Sở kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu và xem xét đối với các dự án này trong vòng 01 tháng, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư.
Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen cài, Sở này kiến nghị UBND thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu và ban hành bộ tiêu chí để xem xét tách thửa độc lập để làm cơ sở giao phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong ranh dự án…
Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc chưa có trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM, Sở này kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng rà soát các quy định pháp luật có liên quan để có ý kiến xác định rõ về việc để dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án phải có trong danh mục dự án nhà ở ban hành kèm theo Kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM hay chỉ cần đánh giá sự phù hợp của việc thực hiện dự án với Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố.
Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với UBND cấp huyện xem xét và tham mưu cho UBND TP.HCM điều chỉnh chung quy hoạch của thành phố và điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của khu vực thì có cơ sở để xem xét cập nhật điều chỉnh theo đề nghị của nhà đầu tư hay không.
Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về việc chưa đảm bảo phương án kết nối giao thông, Sở này kiến nghị giao Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu, xem xét phương án xử lý.
Đối với các dự án mà nhà đầu tư chưa thực hiện bổ sung hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND thành phố giao cho sở này làm việc với các nhà đầu tư để đôn đốc nộp hồ sơ bổ sung.