November 03, 2020 | 13:06 GMT+7

[Góc nhìn chuyên gia] Bầu cử Mỹ có tác động dây chuyền tới chứng khoán Việt?

Hồng Quân - Nguyên Minh

Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có chịu tác động dây chuyền sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong thời điểm quyết định. Sự kiện này ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có chịu tác động dây chuyền gì sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc? 

Trao đổi với VnEconomy, các chuyên gia đã đưa ra nhận định xoay quanh câu chuyện này cũng như kỳ vọng về dòng vốn ngoại vào chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn liên tục rút ròng vừa qua. 

HƯỞNG LỢI GIÁN TIẾP TỪ SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA CHỨNG KHOÁN MỸ

(Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital)

Kể từ khi đại dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát vào cuối tháng 7 và trong 3 tháng gần đây, chỉ số Vn-Index đã tăng khoảng 15% từ mức 798 lên 925 vào cuối tháng 10, mức tăng này cao hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng khoảng 360 triệu USD nâng tổng lượng bán ròng lên 410 triệu USD tính từ đầu năm. 

Bao giờ dòng vốn ngoại sẽ quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital

Việc khối ngoại bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước ASEAN trong bối cảnh Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Mỹ/Châu Âu. 

Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt vượt trội so với các thị trường khác đã đẩy định giá của một số blue-chip lên mức cao. Điều này làm các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán để chốt lợi nhuận hơn là rút vốn khỏi Việt Nam.

Trong dài hạn, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn do (i) Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, (ii) tăng trưởng vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục và (iii) kỳ vọng dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau khi Việt Nam được nâng tỷ trọng lên 28% trong chỉ số MSCI FM 100 Index (từ mức hiện tại 12%) trong 12 tháng tới.

Rủi ro trong ngắn hạn là kết quả bầu cử Mỹ gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam vì thế cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp. 

Tuy nhiên, trong dài hạn, dù ai đắc cử tổng thống Mỹ cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chứng khoán Mỹ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ sự tăng trưởng của thị trường Mỹ. 

Sau khi điều chỉnh vào tuần cuối tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức P/E 15,1, tương đương với mức chiết khấu 18% so với P/E các nước Asean. Đây là mức tương đối cao so với trung bình trong quá khứ, do đó chúng tôi cho rằng dư địa tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong thời gian tới. Đặc biệt khi dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện và quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.

KỲ VỌNG DÒNG VỐN NGOẠI MỚI VÀO ĐẦU NĂM SAU

(Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV - BSC)

Về dòng vốn ngoại, theo dõi của chúng tôi về các quỹ cho thấy dòng vốn đã bị rút ra nhiều trong xu hướng chung là rút tiền khỏi thị trường mới nổi (EM), ở Việt Nam cũng tương tự. Đến thời điểm hiện tại thì xu hướng này vẫn chưa dừng lại ở cả khu vực xung quanh Việt Nam và các thị trường mới nổi khác.

Bao giờ dòng vốn ngoại sẽ quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 2.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường BSC

Do vậy, mặc dù vẫn có những hoạt động giao dịch, thỏa thuận lớn ở khối ngoại như VHM nhưng về cơ bản, khối ngoại vẫn đang rút ròng và tình trạng này có thể duy trì đến hết năm nay dù trong tháng 11 chúng ta kỳ vọng dòng tiền của MSCI vào Việt Nam. 

Với quy mô chia thành 5 đợt, theo tính toán dòng tiền theo vào chỉ tương đương khoảng 30-40 triệu USD cho đợt đầu bao gồm tiền của MSCI gần 20 triệu USD, không đáng kể so với xu hướng rút ròng.

Nhìn xa hơn, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nhiều hơn là dòng tiền. Ở đâu đó vẫn kỳ vọng ông Trump có tác động tốt hơn với thị trường chứng khoán bằng việc hạ lãi suất, hạ thuế còn ông Biden thì không làm được như vậy. Nhưng nhìn rộng hơn, quan điểm gần đây của phố Wall cho thấy không lo ngại việc ai là tổng thống mà đáng lo nhất là khả năng dùng dằng chưa xác định được ai là tổng thống sau bầu cử kiểm tra phiếu. 

Nhà đầu tư cũng tập trung nhìn vào việc nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi thế nào, qúy 3 phục hồi tương đối tốt nhưng liệu có thể duy trì trong quý 4 hay không và kích cầu thế nào để thị trường đạt được điều đó, đây mới là 2 yếu tố mà thị trường hướng về.

Tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường mới nổi, thị trường biên khá kém so với các thị trường phát triển. Ở Mỹ mặc dù thị trường đã điều chỉnh nhưng từ đầu năm đến giờ vẫn tăng trưởng dương trong khi bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam đến giờ vẫn tăng trưởng âm cho thấy mức độ tương quan hấp dẫn.

Xu hướng rút ròng sẽ vẫn tiếp tục dù hiện tại đang chững. Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng thị trường sẽ có dòng tiền mới rõ ràng hơn sau khi khối ngoại đã thỏa mãn ở các thị trường phát triển. Kỳ vọng năm sau, sớm là quý 1/2021 sẽ có sự đảo chiều.

Về dòng vốn nội, thanh khoản tăng vọt lên trên 300 triệu USD/phiên trong tháng 10, tăng 24% so với cùng kỳ cho thấy mặt bằng lãi suất thấp đang kích thích dòng tiền F0 vào thị trường, đây là điều diễn ra trong 6 tháng qua. Trong tháng 10 tăng cao một phần các chỉ số lên cao và áp dụng chốt lãi, một phần là do nghị định siết chặt phát hành trái phiếu khiến dòng tiền không tìm được địa chỉ đầu tư và dồn vào chứng khoán, khiến thanh khoản tăng vọt. Dòng tiền nội dự kiến vẫn được duy trì và là động lực để đẩy chỉ số từ giờ cho đến cuối năm.

KẾT QUẢ BẦU CỬ MỸ ẢNH HƯỞNG KHÔNG LỚN

(Bà Vũ Thị Thu Thủy - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng Cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM - HSC) 

Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là rất khó đoán và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên nếu nhìn nhận cuộc bầu cử là một sự kiện để trading thì có thể lần này sự ảnh hưởng sẽ không quá lớn vì:

(i) Nhà đầu tư đã có kinh nghiệm với các sự kiện kiểu này. Điển hình là Brexit và cả cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Năm 2016 kết quả bầu cử cũng làm bất ngờ thị trường nhưng ngay sau đó thị trường đã tự lấy lại sự cân bằng.

(ii) Sự phản ứng trước. Trong lần này, chúng tôi quan sát thấy sự phản ứng trước của thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường khác trong đó có Việt Nam. Phản ứng trước nghĩa là đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và không bị động.

(iii) Kết quả thống kê cho thấy dù là Đảng đương nhiệm có thất bại thì thường thị trường cũng sẽ có sự phản ứng trước và thị trường sẽ phục hồi sau bầu cử.

Bao giờ dòng vốn ngoại sẽ quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Thu Thủy - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng Cá nhân HSC

Thị trường Việt Nam luôn có những yếu tố hấp dẫn nhất định mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao như môi trường vĩ mô ổn định, mức độ tăng trưởng tiềm năng cao, mức định giá hấp dẫn, tình hình địa chính trị ổn định, sự nổi lên của tầng lớn trung lưu… 

Một trong những yếu tố cản trở dòng vốn theo chúng tôi là ở các thủ tục và khả năng tiếp cận thị trường (room, thanh toán…). Nhưng những yếu tố này chúng ta đang dần cố gắng cải thiện trong nỗ lực nâng hạng lên thị trường mới nổi. Do đó tôi tin rằng những hạn chế đó sẽ dần được khắc phục. 

Sự hồi phục dần của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là phù hợp với tốc độ phục hồi kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và khá phù hợp với thị trường chứng khoán thế giới. Điều đó cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang được coi là một trong những thị trường hấp dẫn, đặc biệt thanh khoản của thị trường đã gia tăng đáng kể trong năm 2020. 

Chúng tôi đánh giá tích cực sự phát triển của chứng khoán Việt Nam về quy mô, thanh khoản và định giá vẫn còn khá hấp dẫn nếu như so sánh với một vài quốc gia Châu Á khác như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Câu chuyện ổn định tỷ giá trong 2 năm tới cũng sẽ là thông tin tích cực hỗ trợ dòng vốn ngoại quay trở lại đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate