October 05, 2015 | 22:12 GMT+7

Góc nhìn: Tái cơ cấu ngân hàng và 6 “đỉnh núi” đã vượt

TS. Nguyễn Đức Hưởng

Trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam, có lẽ vẫn còn đọng lại những hình ảnh ba năm trước

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam, có lẽ vẫn còn đọng lại những hình ảnh ba năm trước, khi người người vạ vật xếp hàng chờ rút tiền tại một số ngân hàng, thậm chí cán bộ ngân hàng phải mang cơm hộp, bánh mỳ ra tiếp sức cho dân chờ rút tiền.

Đó chính là thời điểm diễn ra lần tái cơ cấu đầu tiên qua hình thức hợp nhất 3 ngân hàng: Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB)…

Còn hiện nay thì sao? Đã có nhiều cuộc tái cơ cấu, sáp nhập, mua lại ngân hàng 0 đồng, nhưng diễn ra tương đối êm ả, bình lặng.

Đã ba năm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng. Ba năm nhìn lại, tuy rất ngắn, nhưng Ngân hàng Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, có thể nói đã tiến một bước dài trong khả năng quản lý kinh tế nói chung và thực hiện chính sách tiền tệ nói riêng.

Điểm nhấn quan trọng trong quá trình tái cơ cấu này, từ góc nhìn của người viết, là đã chinh phục được 6 “đỉnh núi” gian khó:

1. Lạm phát: giảm từ gần 19% năm 2011 xuống mức dự báo dưới 2% năm 2015.

2. Lãi suất: giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay từ trên 20% xuống dưới 10%.

3. Vàng: ổn định thị trường vàng, đem lại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.

4. Tỷ giá: góp phần ổn định tỷ giá, kích thích xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu đáng kể.
 
5. Tái cơ cấu ngân hàng:

- Thành lập và triển khai hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

- Mua ngân hàng thương mại cổ phần với giá 0 đồng, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, không gây đổ bể hàng loạt các ngân hàng và gắn trách nhiệm của các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông vì quản lý ngân hàng không có hiệu quả. Đây có thể xem là một giải pháp “đánh chuột không vỡ bình”.

6. Thành quả bao trùm, nổi bật chính là giữ được niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách tiền tệ nói riêng và cơ chế, chính sách nói chung.

Tái cơ cấu từ gốc

Nhìn chung, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng trong thời gian qua đã có những tiến triển tích cực. Đối với biện pháp mua bán nợ với VAMC và mua 0 đồng, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định rằng đây là sáng kiến chưa có tiền lệ. Mỹ từng phải dùng đến ngân sách để cứu các ngân hàng, nhưng Việt Nam thì không.

Đặc biệt, về vấn đề vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đi ngược đám đông, vượt qua dư luận và phải nói rằng đã có công làm biến mất “đồng tiền thứ hai” từng ăn sâu trong tiềm thức nhiều thế hệ người dân Việt Nam, đó là mua bán, tích trữ vàng, làm chảy máu ngoại tệ.

Riêng vấn đề nợ xấu, người viết cho rằng đã đến lúc nợ xấu không còn xấu lắm, vì trên thực tế, VAMC đã mua được nhiều khoản nợ xấu có thể nói khá “ngon lành”, giá tăng bất cứ lúc nào nên giống như một loại “đồ cổ đặc biệt”, càng để lâu càng có giá, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang dần ấm lên, khả năng thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại đã không khó khăn như những năm trước đây.

Về quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian tới, người viết xin có hai kiến nghị như sau.

Thứ nhất, tiếp tục tái cơ cấu bằng cách tái cơ cấu từ gốc, đó là sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và quy định về hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần. Ví dụ: xem xét nên có đại diện vốn của nhân dân trong hội đồng quản trị của các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước nên cử đại diện trong các ngân hàng thương mại cổ phần; thậm chí khi vốn tăng lên nhiều lần, khi bỏ phiếu đại diện của vốn nhân dân cũng nên theo tỷ lệ vốn nhất định để bảo vệ quyền lợi của người dân…

Thứ hai, thời gian qua, việc tăng trưởng tín dụng có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế và hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, nhưng cần thận trọng đề phòng “chu kỳ luẩn quẩn”.

“Chu kỳ luẩn quẩn” ở Việt Nam bắt đầu từ lạm phát, lãi suất cao bất ngờ, phải khoán huy động vốn, sau đó giảm phát lại khoán cho vay, thi nhau chào lãi suất thấp; sau giảm phát thừa nguồn sẽ dẫn đến kịch bản các ngân hàng thi nhau ký hợp đồng tín dụng, khoán cho vay dẫn đến thừa nguồn, tăng lãi suất, lạm phát và tỷ giá bị đe dọa, bẫy thanh khoản xuất hiện…

* Tác giả bài viết là Phó chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate