Vn-Index đã có một năm huy hoàng với hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu được thiết lập. Tất cả đều là nhờ dòng tiền rẻ. Tiền đổ vào thị trường đến từ nhiều nguồn như mặt bằng lãi suất ngân hàng quá thấp người dân không mặn mà gửi tiết kiệm chuyển sang đầu tư cổ phiếu; sản xuất kinh doanh gặp khó chuyển sang đầu tư; và thậm chí đâu đó có phần từ các gói hỗ trợ kinh tế cũng được điều chuyển vào thị trường...
Bước sang năm 2022, thị trường vẫn kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ cuồn cuộn vào đưa chỉ số Vn-Index tiếp tục thăng hoa, giữ kỷ lục thị trường có tỷ suất sinh lời cao nhất khu vực nhờ vào Chương trình hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng mà Chính phủ triển khai.
Tuy nhiên, VnEconomy đã ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia về dòng tiền trên thị trường chứng khoán với hầu hết đều chung một nhận định rằng, dòng tiền sẽ gặp áp lực ngay khi gói này được thực thi. Bên cạnh đó, việc Fed rục rịch tăng lãi suất cũng sẽ khiến dòng tiền vào thị trường gặp khó...
GÓI HỖ TRỢ KHÔNG PHẢI BƠM TIỀN VÀO NỀN KINH TẾ
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội đoàn TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân: Thứ nhất, gói hỗ trợ lần này gần như tất cả người dân đều được hưởng lợi. Bởi thuế VAT giảm thì người tiêu dùng được giảm chi phí. Tức là gói hỗ trợ này kích thích mạnh tiêu dùng trong nước, nhờ đó phần đông doanh nghiệp được hưởng lợi. Thị trường trong nước vô cùng lớn, là trụ đỡ quan trọng cho doanh nghiệp.
Thứ hai, gói hỗ trợ lãi suất lớn nếu giải ngân được trọn vẹn thì đưa được 2 triệu tỷ vào nền kinh tế , doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi. Đây là yếu tố lan toả mạnh cho nền kinh tế. Tôi hi vọng gói hỗ trợ lãi suất được thực thi nhanh nhất, doanh nghiệp tiếp cận được. Nhiều người cảnh báo bài học 2009-2011 gói trục lợi thì giai đoạn nay ta khắc phục được nhờ hỗ trợ chuyển đổi số. Dòng tiền ngân hàng đến doanh nghiệp truy được hết không trốn được. Đây là cơ hội lớn, Chính phủ cần vào cuộc kiểm soát không dùng tiền mặt. Cả nước người dân đồng tình không dùng tiền mặt rồi thì ngân hàng có thể kiểm soát dòng tiền của mình.
Thứ ba, kỳ vọng ngân sách tập trung 113.000 tỷ đầu tư vào hạ tầng, tôi nghĩ Việt Nam đang nói ách tắc hạ tầng thì sẽ tạo ra cơ sở tốt để tạo sự phát triển. Cuối cùng, gói hỗ trợ ai là được hưởng? Người được hưởng chính là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở đây không phải bỏ tiền ra ai hoạt động kinh doanh thì được hưởng lợi. Gói hỗ trợ này ta phải nhấn mạnh không phải bơm tiền vào nền kinh tế. Truyền thông cũng nhấn mạnh để tránh tâm lý là bơm tiền nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung.
DÒNG TIỀN SẼ THÁO CHẠY KHỎI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh: Kể từ khi có thông tin về gói hỗ trợ được hàm ý đưa ra bằng các phát biểu của chính khách, chuyên gia kinh tế thì đã đẩy định giá chung của các tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng lên. Đồng thời lý giải lý do vì sao dẫn tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán lên 1.500 điểm như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, khi các hoạt động kinh tế trở lại, thì nguồn tiền ở thị trường sẽ giảm dần đi. Bởi vì, gói hỗ trợ kinh tế lần này, Chính phủ sẽ tìm cách đưa tiền đã được bơm ra trở lại với nền kinh tế chứ không phải là bơm tiền mới vào. Quá trình này có thể kéo dài khoảng sáu tháng tới một năm để chứng kiến tiền trở lại với nền kinh tế.
Trước đó, VnEconomy đưa tin, kể từ tháng 10/2020 số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng luôn trên 600 nghìn tỷ và đang tiếp tục tăng gần 700 nghìn tỷ. Nếu 50% số tiền nhàn rỗi này được giải ngân thì đã lớn hơn số tiền cần thiết để kích thích kinh tế dự kiến thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Điều đó gợi ý rằng nguồn tiền để sử dụng cho gói hỗ trợ, kích thích kinh tế giai đoạn 2022-2023 đã có sẵn rồi, không hẳn là tiền bơm mới. Chính phủ và những người thiết kế gói hỗ trợ hiện nay muốn làm sao để chuyển đổi tiền thực tế đã bơm ra thị trường, nhưng lại chưa được sử dụng, để quay trở lại đúng với mục tiêu của gói hỗ trợ là đi vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu của gói hỗ trợ cũng sẽ đảm bảo vấn đề liên quan đến lao động, việc làm chứ không phải cứ hỗ trợ là bơm tiền, cũng không cần bơm thêm tiền mà quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải sử dụng hiệu quả tiền đã được bơm ra nền kinh tế. Việc bơm thêm tiền theo cách nghĩ thông thường thì không phải giải pháp mà Chính phủ lựa chọn. Nó không giống những gì mà chúng ta đã nhìn trong quá khứ. Chúng ta nên nhìn cái bối cảnh nó hơi khác so với thời kỳ 2008-2009 là như vậy.
Thông thường, các hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công được thực hiện bởi các nguồn tài trợ chủ yếu và có thể phần lớn sẽ thông qua việc phát hành Trái phiếu Chính phủ cho các tổ chức kinh tế trong hoặc ngoài nước. Bản chất của quá trình này chính là làm giảm nguồn tiền dư thừa trên thị trường, đây chính là nguồn tiền đã đẩy thị trường chứng khoán lên trong suốt thời gian vừa qua.
Thậm chí, ngay cả khi nếu có việc bơm thêm tiền mới thông qua phát hành trái phiếu thì cũng sẽ nhắm đến các nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường.
Nói một cách đơn giản rằng, nếu chúng ta là những người chơi trên thị trường chứng khoán thì nguồn tiền của chúng ta cũng sẽ có một sự cạnh tranh bởi các cơ hội đầu tư vào các đối tượng như đầu tư công. Chúng ta có sự cạnh tranh với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn tiền của xã hội. Tiền dần dần được đẩy vào các dự án đầu tư công, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chúng ta muốn thị trường đi lên thì hay nói những gì trong quá khứ không lặp lại đâu. Nhưng khi chúng ta nhìn thấy một triển vọng là thị trường có thể bị cạnh tranh bởi nguồn tiền đầu tư vào dự án của Chính phủ thì chúng ta lại nói à không, không phải như vậy. Tức là chúng ta luôn nhìn mọi thứ theo hơi hướng tích cực nhưng quan điểm của tôi là chúng ta nên nhìn vào thực tế. Tiền có rồi, chưa tiêu hết, các địa phương thậm chí còn trả lại tiền ngân sách, thì tại sao phải bơm thêm khi chúng ta còn. Nếu chúng ta sử dụng tốt thì chúng ta đã hấp thụ rồi chứ không phải bơm thêm để giải thêm bài toán hấp thụ như thế nào.
Mục tiêu của gói hỗ trợ cũng sẽ đảm bảo vấn đề liên quan đến lao động, việc làm chứ không phải cứ hỗ trợ là bơm tiền, cũng không cần bơm thêm tiền mà quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải sử dụng hiệu quả tiền đã được bơm ra nền kinh tế. Việc bơm thêm tiền theo cách nghĩ thông thường thì không phải giải pháp mà Chính phủ lựa chọn. Nó không giống những gì mà chúng ta đã nhìn trong quá khứ. Chúng ta nên nhìn cái bối cảnh nó hơi khác so với thời kỳ 2008-2009 là như vậy.
FED CŨNG SẼ HÚT DÒNG TIỀN RA KHỎI CHỨNG KHOÁN
Ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital): Rủi ro lớn nhất với thị trường cổ phiếu năm 2022 đến từ động thái các Ngân hàng Trung ương thu hẹp thanh khoản, tăng lãi suất điều hành bắt đầu từ năm nay.
Fed đã công bố giảm quy mô gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất trong năm 2022. Thị trường dự kiến Fed sẽ tăng 3-4 lần lãi suất cơ bản của Mỹ vào năm 2022. Cùng với Fed, theo thống kê có đến 30% ngân hàng Trung ương khác trên thế giới cắt giảm hoặc dừng gói hỗ trợ kinh tế, tăng lãi suất và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Những điều này dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản trong các kênh tài sản sẽ không nhiều như năm 2020 - 2021 nữa.
Trong quá khứ những tài sản mang tính đầu cơ cao được hưởng lợi nhiều từ dòng tiền dễ dãi thì nhóm này sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất khi thanh khoản không còn dồi dào. Có thể liệt kê ra như cổ phiếu công nghệ, tài sản số như đồng tiền số, tài sản liên quan đến mã hoá cũng bị ảnh hưởng vì được coi là đầu cơ. Với thị trường cổ phiếu thì những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao sẽ bị ảnh hưởng.
Đại diện Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt: Đến năm 2022 thì chúng tôi cho rằng dòng tiền nội sẽ khó có thể vào mạnh như giai đoạn 2020 – 2021. Bởi thứ nhất, việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn trong năm 2022 do mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức khá cao và sẽ phân hóa mạnh theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất hiện tại đang ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, việc hạ tiếp lãi suất sẽ khó có thể xảy ra => đồng nghĩa rằng tiền sẽ khó có thể rẻ hơn được nữa dòng tiền vào thị trường sẽ chậm lại.
Thứ ba, một phần dòng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ được rút bớt ra để chảy vào khu vực sản xuất.
Thứ tư, Chính phủ đang có các động thái để siết chặt dòng tiền nóng đổ vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Theo đó tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần kiểm soát chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu.