December 11, 2020 | 08:22 GMT+7

Gói hỗ trợ do Covid: "Ngặt nghèo quá nên thà không được hưởng còn hơn"?

Vũ Khuê

Chỉ thị 11 của Chính phủ theo là rất đúng đắn kịp thời nhưng việc thực hiện các chính sách vô cùng khó khăn, đặc biệt với ngành du lịch

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã phải thốt lên như vậy khi phát biểu tại Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam vừa tổ chức mới đây.

THÀ KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG CÒN HƠN?

Nêu thực trạng về ngành du lịch, ông Bình: số lao động của ngành du lịch tính đến 2019 là 2,9 triệu người. Đến thời điểm này, khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ, thất nghiệp hoàn toàn khoảng 50%. 60% doanh nghiệp (DN) du lịch ngừng hoàn toàn hoạt động, cầm cự, số DN có công việc 1 phần chỉ khoảng 5%. Vì thế, Chỉ thị 11 của Chính phủ theo ông Bình là rất đúng đắn kịp thời, cổ vũ tinh thần người lao động. Nhưng việc thực hiện các chính sách vô cùng khó khăn, đặc biệt với ngành du lịch rất ít hiệu quả. Gói trợ cấp một lần cho lao động tự do mất việc làm hầu như không đến được với hướng dẫn viên...

Không chỉ khó khăn trong xét duyệt nhận trợ cấp, vay tiền trả lương cho người lao động cũng vậy. Ngành du lịch có 40 ngàn DN nhưng mới chỉ có 1 DN tiếp cận được gói hỗ trợ này. Các ngân hàng đòi hỏi DN phải thế chấp tài sản nhưng DN lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu nên hầu như không tiếp cận được gói vay...

Tương tự, ngành dệt may cũng không ngoại lệ. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bắt đầu sang quý II/2020 sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu chính của dệt may như EU, Nhật, Mỹ... sụt tới âm 27% thậm chí đến âm 36%. Bởi vậy, DN dệt may trông đợi, kỳ vọng vào gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng tới giờ, DN vẫn không tiếp cận được nên họ xác định tự mình cứu mình là chính. Điều kiện để DN được hưởng những gói hỗ trợ đó từ những DN không có doanh thu, không có khả năng tài chính, thậm chí phải giảm ít nhất 50% số lao động đóng BHXH, không có khả năng chi trả... thì sẽ được hưởng hỗ trợ. Trong khi mục tiêu của ngành là giữ chân người lao động để hậu Covid sẽ phát triển sản xuất.

"Quy định quá ngặt nghèo như vậy thì chỉ những DN giải thể, phá sản mới được. Hơn nữa, để được hưởng gói tài trợ, DN phải chứng minh tài chính của mình - điều này khiến DN sợ nhất bởi mất rất nhiều thời gian, thủ tục phiền hà... nên thà không được hưởng còn hơn", ông Cẩm nói.

Một khía cạnh nữa, ông Cẩm cho rằng, mặc dù các gói hỗ trợ bất cập ai cũng nhận thấy nhưng sửa đổi lại quá lâu, chậm chạp làm mất thời cơ "cứu" DN. Như Quyết định 15 ban hành từ tháng 4/2020 đã bế tắc nhưng Quyết định 32 sửa đổi tới tận tháng 10 mới ban hành. Tức là sau 6 tháng - đây lại chính là thời điểm khó khăn nhất của DN thì chính sách lại không được sửa đổi ban hành. Nên việc kịp thời, đúng với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no" chúng ta lại không làm được.

Bên cạnh đó, không chỉ làm cho chính sách kịp thời hơn mà một số chính sách hiệu quả cần được kéo dài thời gian hơn. Vì với ngành dệt may, tác động của dịch có thể sang đến 2022 nên DN khó khăn trong hồi phục. Nhà nước cần rà soát lại tất cả các các chính sách như việc thu từ DN chỉ là để kết dư (kinh phí công đoàn, BHXH, hưu trí, tử tuất...) nên hãy dừng lại không thu, thậm chí miễn giảm cho DN trong bối cảnh này để cứu họ.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của DN chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, đến ngày 27/11 mới có 75 DN vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch. Đến tháng 10/2020, số tiền hỗ trợ từ chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất chưa đến 100.000 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu phát sinh ở chính sách giãn nộp như tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ôtô trong nước chiếm 76.100 tỷ đồng; còn chính sách miễn, giảm các loại thuế phí chỉ dừng ở mức 10.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp khó với tới gói hỗ trợ - Ảnh 1.

THỰC THI CHÍNH SÁCH CHƯA TỐT

Chủ tịch VCCI đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các DN chịu tác động từ Covid-19 dù ngân sách hạn hẹp. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Khoảng 95 văn bản được ban hành nhằm đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của DN.

Hệ thống các gói giải pháp về chính sách được ban hành cũng khá đồng bộ. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội... "Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh", ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, điểm tối ở đây chính là việc thực thi chính sách còn nhiều rào cản. Phản ứng chính sách của Chính phủ tuy khá hợp lý, chủ trương chính sách tuy đúng đắn nhưng thực thi một số chính sách chưa thực sự suôn sẻ. "Nếu kiềm chế được dịch bệnh, chúng ta vẫn ở trạng thái bình thường mới, nên thực thi chính sách cũng vậy chứ không phải của ngày hôm qua. Đặc biệt gói 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các DN trả lương cho người lao động thì thủ tục hành chính còn phiền hà. Thủ tục chưa có thực tiễn nên không được triển khai thông suốt. Chỉ khi có quyết định của Chính phủ là điều chỉnh lại thì chính sách mới đi vào thực tiễn", ông Lộc nhấn mạnh và đề xuất "Nếu nói tiếc nuối, tôi mong muốn thu hẹp lại khoảng cách chính sách và thực thi. Đây là biện pháp quan trọng của Chính phủ trong bối cảnh này. Đây là điều cần rút kinh nghiệm và có biện pháp điều chỉnh trong tương lai. Cần có tiếng nói chung của các cơ quan đại diện, Nhà nước, DN trong thực thi chính sách. Thủ tục cần đơn giản, phân loại cần rõ ràng...".

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, thiết kế chính sách có vấn đề nhưng thực thi chính sách lại là vấn đề đang đặt ra. Khoảng cách giữa chính sách và thực thi còn lớn là do DN chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Trong khi chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ. Trong đó nhiều điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của DN.

Đơn cử như, một trong những điều kiện DN được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết DN chỉ cho người lao động tạm nghỉ không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực. Bên cạnh đó, các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động chưa hợp lý, không công bằng giữa các DN.

Vì vậy, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các DN từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Đặc biệt ưu tiên các DN có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình này. Cần tránh hiện tượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ bởi tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn nên một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch... song cũng lại có một số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát...

"Cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi được ban hành", ông Tuấn lưu ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate