Trong khi các gói hỗ trợ lần thứ nhất chưa phát huy hết tác dụng, các doanh nghiệp cho rằng, ở gói hỗ trợ lần 2 cần phải gỡ "nút thắt" chính là điều kiện thụ hưởng để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được.
ĐIỀU KIỆN THỤ HƯỞNG LÀ "NÚT THẮT" CẦN GỠ?
Sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động được dự báo là vẫn còn đang tiếp diễn. Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý 1/2021 của Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua đã ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và giảm thu nhập.
Những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1 đã phản ánh khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng. Vì vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng thời gian tới cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
Trao đổi với VnEconomy, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, tất cả những nội dung hỗ trợ đưa ra ở gói thứ nhất là rất phù hợp, đặc biệt là một số chính sách như giảm tiền thuê đất, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn thời gian nộp tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất…Do đó nếu vẫn được áp dụng ở gói lần 2 thì rất tốt, tuy nhiên điều quan trọng nhất phải rút kinh nghiệm chính là điều kiện thụ hưởng cần sát với thực tế hơn.
Theo bà Xuân, những điều kiện đưa ra ở gói hỗ trợ kinh tế thứ 2 phải phù hợp để doanh nghiệp đáp ứng được. "Trước đây, các điều kiện giống như là doanh nghiệp phải sa thải lao động thì mới được nhận hỗ trợ, chúng tôi nghĩ rằng rõ ràng doanh nghiệp phải giữ được lao động thì được hưởng sẽ là hợp lý hơn.
Trong khi lại bắt doanh nghiệp phải có 50% lao động nghỉ việc hoặc doanh thu giảm thì không hợp lý", bà Xuân nói và cho hay doanh nghiệp muốn được hỗ trợ để giữ chân và "nuôi" được người lao động, còn nếu sa thải thì Nhà nước sẽ phải chi trả các chính sách về an sinh và bảo hiểm thất nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ thứ nhất, đại diện hiệp hội này đề xuất cần thiết phải cải thiện điều kiện thụ hưởng, chẳng hạn như với doanh nghiệp đảm bảo 100% duy trì được việc làm cho người lao động thì được hỗ trợ như hạ lãi suất ngân hàng ở mức tối đa, sa thải 50% lao động thì sẽ được hưởng một nửa ưu đãi.
"Một chính sách phải phù hợp với doanh nghiệp thì mới đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên, không tạo gánh nặng cho xã hội. Theo tôi nút thắt ở đây chính là điều kiện áp dụng ở gói thứ nhất đã không thực tế. Doanh nghiệp không ai muốn sa thải lao động cả, vì vậy yêu cầu tỷ lệ sa thải lao động thì mới được hỗ trợ theo tôi là không hợp lý chút nào", bà Xuân lý giải.
KÉO DÀI THỜI GIAN HỖ TRỢ ĐẾN HẾT NĂM 2021
Cùng với thay đổi điều kiện, đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cũng đề xuất độ dài của gói hỗ trợ nên tối thiểu đến hết năm 2021, và còn tùy thuộc vào tình hình từ nay đến cuối năm nếu dịch bệnh được kiểm soát ở các nước, Việt Nam có thể quay trở lại trạng thái bình thường.
Trong khi đó, tại văn bản góp ý mới đây của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về gói hỗ trợ kinh tế lần 2, hiệp hội này cũng cho rằng, ở gói hỗ trợ lần 1 rất nhiều chính sách doanh nghiệp và người lao động khó tiếp cận do các điều kiện quá khắt khe, không có tính khả thi.
Chẳng hạn như việc dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và dừng đóng kinh phí công đoàn phải đáp ứng điều kiện giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên. Hoặc người lao động chỉ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng khi nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 tháng liên tục trở lên, với điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu hoặc không có khả năng tài chính để trả lương.
"Như vậy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đóng cửa, phá sản mới được tiếp cận gói hỗ trợ. Điều này không phù hợp với những cố gắng của doanh nghiệp là tìm mọi cách để người lao động không bị sa thải", ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, hầu hết các gói hỗ trợ chỉ có thời hạn tối đa đến 31/12/2020, trong khi tình hình đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài và chưa dự đoán trước được.
Vì vậy, đại diện hiệp hội này cũng đề xuất cần có thêm các gói hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như tiếp tục sử dụng nguồn từ các gói hỗ trợ chưa sử dụng hết, mới sử dụng khoảng 20% để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động với các điều kiện dễ tiếp cận hơn, kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2021.