Ngày 14/10/2021, tại phiên họp thường kỳ quý 3/2021 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho biết đến hết tháng 9, các đơn vị trong toàn hệ thống giải ngân cho 921 lượt người sử dụng lao động với số tiền là 462 tỷ đồng, để trả lương cho 130.990 lượt người lao động.
GÓI VAY VỐN TRẢ LƯƠNG NGỪNG VIỆC VÌ COVID-19 MỚI GIẢI NGÂN HƠN 6,1%
Trước đó, theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất là 0%/năm.
Như vậy, việc giải ngân gói vay vốn trả lương ngừng việc vẫn rất chậm. Số tiền giải ngân mới chỉ chiếm hơn 6,1% số tiền có thể dùng. Nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tiêu chuẩn để được vay quá cao, khiến doanh nghiệp khó lòng đáp ứng.
Các điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc vừa được Chính phủ cho phép nới lỏng và nêu rõ tại Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, riêng với chính sách cho vay trả lương ngừng việc được sửa đổi thành: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
So với quy định trước đây, điều kiện “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay phục hồi sản xuất đã được bãi bỏ.
DƯ NỢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HOÀN THÀNH 82% KẾ HOẠCH NĂM
Cũng tại phiên họp thường kỳ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Thắng cho biết thêm, đến ngày 30/9/2021, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 254.356 tỷ đồng, tăng 20.811 tỷ đồng so với năm 2020. Nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 24.375 tỷ đồng, tăng 4.060 tỷ đồng so với năm 2020.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 242.292 tỷ đồng, tăng 16.095 tỷ đồng so với cuối năm 2020 với trên 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 207.218 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch năm.
Tổng doanh số cho vay trong 9 tháng qua đạt 61.233 tỷ đồng, với trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 337 nghìn lao động; giúp gần 16,7 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 5,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, nhà tránh lũ và nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ,...
Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,25%.
Phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách Xã hội yêu cầu Ban điều hành Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng đề nghị tổ chức huy động các nguồn vốn, trong đó đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, huy động tiền gửi từ tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để đảm bảo nguồn vốn cho vay.
Đồng thời, ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra để triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ban điều hành Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu, khảo sát và đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động hồi hương hậu Covid-19. Tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp…