Theo tờ South China Monring Post, mỗi ngày, hàng nghìn người đổ về nhà máy Foxconn - nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới - tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để xin gia nhập đội ngũ công nhân lắp ráp iPhone 12 - smartphone mới ra mắt của hãng công nghệ Mỹ Apple.
2.000 HỒ SƠ MỖI NGÀY, TUYỂN DỤNG TRONG VÀI GIỜ
Nhu cầu tuyển dụng công nhân của Foxconn tăng vọt trước khi Apple ra mắt iPhone 12, để đáp ứng hoạt động 24/7 của các nhà máy. Giới phân tích dự báo dòng smartphone mới của iPhone với tính năng hỗ trợ mạng 5G đầu tiên sẽ bán chạy khi nhiều tín đồ iPhone trên toàn cầu nâng cấp điện thoại.
Bên ngoài các trung tâm tuyển dụng của Foxconn, hàng trăm người xin việc đến từ khắp các vùng miền của Trung Quốc xếp hàng chờ đợi. Trong đó, nhiều người đến thẳng đây từ bến tàu hoặc bến xe buýt với hành lý lỉnh kỉnh trong tay. Mong muốn chung của họ là có thể giành được một chỗ nghỉ tại ký túc xá của nhà máy ngay trong đêm đầu tiên.
Ứng viên mang theo hành xếp hàng chờ nộp hồ sơ xin việc vào nhà máy Foxconn - Ảnh: SCMP.
Các trung tâm này hoạt động như một cỗ máy trơn tru, chỉ mất vài giờ để xử lý thủ tục đưa những ứng viên xin việc trở thành công nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất của Apple.
Shen Chen, thư ký tại một trong các trung tâm tuyển dụng của Foxconn, tiết lộ mỗi ngày họ duyệt ít nhất 2.000 hồ sơ xin việc. Đằng sau Chen là tấm biển ghi thời gian hoạt động của trung tâm tuyển dụng từ 7h sáng tới 4h chiều, từ thứ Hai tới thứ Bảy.
"Chúng tôi tuyển công nhân hàng ngày. Tốc độ tuyển dụng nhanh đến mức các công nhân có thể bắt tay vào làm việc chỉ vài giờ sau khi được khám sức khỏe và họp nhân viên mới", Chen tiết lộ.
Tiêu chuẩn tuyển dụng tương đối thấp. Các ứng viên có thể lực tốt trong độ tuổi từ 16 đến 48 có thể được nhận vào làm việc ngay tại nơi được mệnh danh là "thành phố iPhone" này.
Tại đây, không hiếm gặp các cặp vợ chồng hoặc người thân trong cùng một gia đình cùng nhau xin việc. Tian và vợ là một cặp đôi như thế. Đến từ Vũ Châu (Hứa Xương, Hà Nam), họ đang xếp hàng tại trung tâm tuyển dụng, mỗi người xách một vali. Tian cho biết anh nghe nói về thông tin tuyển dụng của Foxconn từ một người họ hàng đã làm việc tại đây. Vì vậy, anh và vợ quyết định nộp hồ sơ ngay khi vừa tới nơi.
Một cặp đôi khác đến từ thị trấn Zhangzhuang, cách nhà máy Foxconn khoảng 2 km, cũng đưa con gái ba tuổi cùng đi xin việc.
"THƯỞNG NÓNG" 10.000 USD CHO NHÂN VIÊN MỚI
Xuất hiện dày đặc tại khu vực này là các công ty lao động giúp ứng viên tìm việc làm. Xung quanh Trung tâm Thương mại Wojin có ít nhất 10 đại lý nằm san sát. Trong đó, một đại lý phát loa thông báo rằng nhà máy Foxconn đang tuyển 20.000 công nhân. Không kém cạnh, các đại lý khác cũng đồng loạt phát lo cỡ lớn: "Tin tốt đây, tin tốt đây, Foxconn đang tuyển dụng", hoặc "Hãy nhanh chân nắm cơ hội ngay".
Một đại lý cho biết: "Nếu ứng viên hoàn thành phỏng vấn trước 11h, họ có thể đi kiểm tra sức khỏe và bắt đầu làm việc ngay buổi chiều".
Các công ty lao động này cũng treo biển ghi rõ chính sách làm việc, mức lương, tiền tăng ca và thông tin về chỗ ở, suất ăn cùng những đãi ngộ khác của Foxconn.
Theo một số công nhân tại nhà máy, hiện họ được trả gần 30 Nhân dân tệ (4,5 USD) mỗi giờ. Trước các đợt iPhone mới ra mắt, mức lương chỉ là hơn 20 Nhân dân tệ/giờ. Nhiều công nhân cho biết họ làm việc theo ca 10 tiếng từ tháng 8. Nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ như Quốc khánh, họ được trả gấp 3 lần.
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của nhà máy Foxconn là nhân viên mới có thể được "thưởng nóng" tới 10.000 Nhân dân tệ (1.488 USD) nếu họ làm việc tại đây ít nhất 55 ngày trong 3 tháng đầu. Nhà máy của Foxconn được cho là đang có hơn 250.000 công nhân.
Theo người dân địa phương, số lượng công nhân tại nhà máy Foxconn đã tăng đáng kể so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Zhang, chủ một quán ăn gần nhà máy Foxconn 7 năm qua, cho biết quán của bà chưa bao giờ đông khách như vậy trong suốt 2 tháng qua.
Theo SCMP, điều này cho thấy khu phức hợp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple, trong bối cảnh nhiều nơi khác trên thế giới vẫn bị gián đoạn sản xuất do đại dịch.
"THÀNH PHỐ IPHONE" LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Trước thông tin Foxconn đang tuyển dụng ồ ạt với mức mức đại ngộ cao dành cho nhân viên mới, người trẻ ở độ tuổi 20 - 30 trên khắp Trung Quốc đổ xô về Trịnh Châu. Trái ngược với làn sóng di cư của người trẻ tại nhiều thành phố Trung Quốc, khu vực quanh nhà máy Foxconn lại sầm uất không kém nhiều khu vực mua sắm nổi tiếng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Đội ngũ công nhân khổng lồ gồm hầu hết người trẻ với mức thu nhập cao tại đây tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng sôi động trong khu vực. Những người bán rong quần áo, trái cây, hàng hóa thiết yếu hàng ngày, đồ ăn vặt đứng chật kín các con đường gần ký túc xá của nhân viên Foxconn.
Một chủ sạp bán mỳ cho biết ông phải trả 100 Nhân dân tệ "phí quản lý" mỗi ngày để có một vị trí đứng bán hàng ở đây. Tuy nhiên, công việc kinh doanh tốt giúp ông dễ dàng trang trải các chi phí. Một bát mỳ nóng có giá 5 Nhân dân tệ (0,74 USD) là món ăn được nhiều công nhân lựa chọn sau khi kết thúc ca làm việc đêm tại nhà máy.
Trước khi nhà máy Foxconn mọc lên tại đây một thập kỷ trước, nơi này chỉ là vùng nông thôn ngoại ô Trịnh Châu. Thời điểm đó, tiếng tăm của Foxconn không mấy tốt đẹp. Hàng loạt các vụ công nhân tự sát vào khoảng năm 2010 tại nhà máy gây chú ý lớn của giới truyền thông. Nhiều khách hàng của Foxconn, trong đó có Apple, cũng tiến hành các cuộc điều tra điều kiện làm việc của công nhân tại các nhà máy này.
Hiện tại, khu phức hợp tại Trịnh Châu của Foxconn là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc, giúp nước này thâm gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà máy của Foxconn hiện trở thành trung tâm kinh tế của toàn bộ khu vực.
Bất chấp các công ty liên tục nói về việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng nhất với những doanh nghiệp như Foxconn.
Nguồn cung lao động dồi dào, dịch vụ hậu cần tiên tiến và các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã đưa nhà máy tại Trịnh Châu trở thành địa bàn lý tưởng cho hoạt động sản xuất.
Còn với những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm sau đại dịch tại Trung Quốc, nguy cơ "phân ly kinh tế" chẳng phải điều đáng bận tâm.
"Đó không phải điều chúng tôi lo lắng. Điều chúng tôi quan tâm nhất là được đi làm và được trả lương", Zhao, một công nhân nhà máy Foxconn chia sẻ.