Ngày 25/6 tới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại Tp.HCM. Trong tài liệu công bố, GVR sẽ trình cổ đông nhiều vấn đề trong đó bao gồm kế hoạch lợi nhuận thụt lùi so với năm thứ nhất Covid 2020.
Cụ thể, năm 2021, GVR đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất sản xuất kinh doanh của công ty mẹ đạt 26.914 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế còn 5.721 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế còn 4.564 tỷ đồng, giảm mạnh 11%. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 16,96% thấp hơn so với năm ngoái là 19,86%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,41% thấp hơn so với năm ngoái 12,69%. Tỷ lệ trả cổ tức 6%/vốn điều lệ.
Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh, kế hoạch lợi nhuận thấp do năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là với hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất do giá bán cao su đã có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức chưa được kỳ vọng. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.
Khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn vẫn tiếp tục kéo dài, biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực, dịch Covid 19 vẫn kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất nông nghiệp trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, số tiền thuê đất phải nộp thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực nên hiện nay chưa lượng hoá hết được số tiền phải nộp. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ số tiền thuê đất phải nộp tương ứng sẽ khá lớn và các đơn vị thành viên cùng Tập đoàn phải tính toán, cân đối hoàn thành nghĩa vụ ngân sách nhà nước theo quy định.
Năm 2021, GVR tiếp tục xin thoái vốn tại KCN Nam Tân Uyên, thoái vốn mã cổ phiếu VRG, bán cổ phiếu thưởng của mã cổ phiếu SIP.
Báo cáo tài chính quý 1/2021 của GVR cho thấy hàng tồn kho tính đến 31/3/2021 là 2.488 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Tăng hàng tồn kho và các khoản phải thu dài hạn đã khiến dòng tiền kinh doanh của GVR quý 1 âm 504 tỷ đồng. Trong khi cả năm ngoái âm 2.199 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GVR tăng mạnh từ đầu tháng 6, chôt phiên giao dịch hôm nay thị giá GVR neo ở mức 35.000 đồng, tăng 16% nhờ kỳ vọng lọt rổ VN30 trong kỳ tái cơ cấu sắp tới. Thanh khoản mỗi phiên cũng tốt hơn với bình quân 6-7 triệu cổ phiếu sang tay, vốn hoá thị trường hiện tại 138.000 tỷ đồng.