Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp đã được Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm. Hiện mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ, ngoài ra 14 dự án khác đang triển khai.
Lý do kết quả thực hiện còn thấp được đưa ra là do những khó khăn, vướng mắc cả chủ quan, khách quan. Để tháo gỡ các khó khăn, từ tháng 12/2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, giao Sở Xây dựng chủ trì và đề xuất cơ chế chính sách và xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu những khó khăn vướng mắc về công tác quy hoạch; quá trình nghiên cứu đã lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm tìm ra nguyên nhân, khó khăn vướng mắc cần phải kiến nghị khắc phục để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện bảo đảm tính khả thi.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trương giao thành phố nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đề xuất Trung ương xem xét để đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Qua Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 2/4/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan thống nhất phương án giải quyết hiệu quả, làm chuyển biến vấn đề này.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, quy định pháp luật, thì đề xuất mô hình, cơ chế chính sách đặc thù, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sớm, không được để kém an toàn các chung cư cũ.
Tiếp đó, ngày 20/4/2021, Thành ủy có Quyết định số 947-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Tập thể Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố đã họp xem xét, góp ý về nội dung dự thảo "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Được biết, trong 2 ngày (22 và 23/9/2021) sẽ diễn ra kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Trong số các Tờ trình, Đề án, dự thảo Nghị quyết được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét thông qua lần này, có "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án trên.
Trong hội nghị, các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội được thống kê cụ thể với khoảng 1.579 tòa nhà. Bao gồm: khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ. Các chung cư này đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng cũng như độ an toàn bởi được xây dựng những năm 1960 - 1994. Và chủ yếu tập trung tại các quận như Ba Đình có 211 nhà, Hoàn Kiếm có 99 nhà, Đống Đa có 415 nhà, Hai Bà Trưng có 244 nhà.
Diện tích những căn hộ chung cư này thường nhỏ dưới 30m2 hoặc 30-50m2/căn; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng, nhiều hộ tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian. Đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Từ thực tế trên, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự hội nghị đều khẳng định việc triển khai cải tạo chung cư cũ là cần thiết. Việc cải tạo ngoài thực hiện theo Luật Đất đai, cần áp dụng triệt để Luật Thủ đô. Quá trình thực hiện nên bổ sung kinh nghiệm của các nước để học hỏi cách làm, cơ sở pháp lý cũng như tác động để nâng cao nhận thức người dân.
Đặc biệt cần phát huy tối đa 3 chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Lưu ý, nếu hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân sẽ tạo ra sự đồng thuận thực chất và bộ mặt đô thị mới cũng tốt lên. Mặt khác cần công khai, minh bạch trong chế độ ưu đãi với nhà đầu tư, đối tượng hưởng chính sách xã hội…