Tọa đàm “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 25/9, nhằm cung cấp cho các nhà quản lý và người dân có cái nhìn tổng quan về những thành tựu phát triển kinh tế Hà Nội 70 năm qua và tìm kiếm các giải pháp để kinh tế Hà Nội ngày càng phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
HÀ NỘI ĐANG CHUYỂN MÌNH SANG KINH TẾ XANH, SẠCH
Xứng danh “Thành phố vì hòa bình”, trong 70 năm qua (10/10/1954-10/10/2024), Thủ đô Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đối mặt với những thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành của cả nước đang tập trung vào phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế Hà Nội trong 70 năm qua, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, khẳng định Hà Nội không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; Những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.
“Hà Nội liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển và thu hút nhiều dự án lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững, Hà Nội rất cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và thiết thực từ các ý kiến đóng góp, gợi mở từ các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề dẫn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP HCM.
“Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Khẳng định Hà Nội ngày nay đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng mô hình kinh tế của Hà Nội những năm qua có sự thay đổi tích cực, đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn và phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới.
Theo TS. Lê Quốc Phương, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP là một hướng đi khá đúng đắn của Hà Nội. Du lịch đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của Hà Nội qua việc thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Ngoài ra, TP Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
CẦN CHIẾN LƯỢC VÀ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô và mới đây, Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua là điều kiện rất thuận lợi để Thủ đô Hà Nội phát triển.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, từ khi có Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tính đến hôm nay đã được 16 năm 2 tháng. Thủ đô Hà Nội đã có sự thay da đổi thịt, một cách toàn diện. Cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn: Tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại.
"Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… ô tô có thể vào tận cửa", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
PGS.TS Bùi Thị An cũng nhìn nhận rằng Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên. Hà Nội sẽ rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và đảm bảo tính bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đề nghị Hà Nội nên có mô hình “vòng tròn lan tỏa” để phát triển kinh tế. Lấy công nghiệp gắn với nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... nhằm bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển.
Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) - ông Nguyễn Văn Toàn, cho rằng Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc, có Vùng Thủ đô nên rất cần phải phát huy. “Trong thời gian tới, chính quyền Hà Nội có thể xây dựng hệ sinh thái mới cho các DN phát triển. Hệ sinh thái đó gồm những vấn đề thuộc Nhà nước, những vấn đề gì thuộc về DN, những vấn đề gì thuộc về cơ sở giáo dục, Viện nghiên cứu…”, ông Toàn đề nghị.
Để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, tránh bớt rủi ro và bảo đảm được cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An khuyến nghị trước hết TP Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể. Sau đó cần tổ chức chỉ đạo thực hiện và giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Nhiều chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng trên cơ sở nền tảng cùng nhiều cơ hội, thời gian tới Hà Nội sẽ khai thác tốt hơn tiềm năng của mình, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tập trung vào việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bởi đây không chỉ là một xu hướng mà chính là yêu cầu cấp bách, mang tính sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau...