Đó là: khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, diện tích 274,3ha; khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn 114ha; khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên 40ha; khu công viên công nghệ thông tin, quận Long Biên 38ha; khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, quận Long Biên 40ha; khu công nghiệp Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm 31,5ha; khu công nghiệp Quang Minh I và mở rộng, huyện Mê Linh 407ha; khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai 150,78ha; khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ 170ha; khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội, huyện Phú Xuyên (giai đoạn I), 76,9ha.
CHƯA ĐƯỢC DUY TU, CẢI TẠO THƯỜNG XUYÊN
Tuy nhiên, Thành phố cũng nhận định: một số khu công nghiệp dù hình thành, phát triển và hoạt động từ 15 năm đến 20 năm, thậm chí trên 20 năm nhưng đến thời điểm hiện nay, cơ bản chưa được chủ đầu tư hạ tầng quan tâm duy tu, cải tạo thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, một số khu còn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, do vẫn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hoặc do chủ đầu tư hạ tầng chưa đầu tư và triển khai theo đúng tiến độ phê duyệt, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật và môi trường làm việc của doanh nghiệp, lẫn người lao động không đảm bảo.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng thông tin thêm, trong tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã, đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng), với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ, bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai).
Nhưng nhìn chung, việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; một số khu nhà ở công nhân chưa chú trọng đầu tư các hạng mục thiết chế văn hóa.
Trước tình hình thực tế, Thành phố nhận thấy, việc xây dựng “Kế hoạch chỉnh trang các khu công nghiệp và nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội” là hết sức cấp thiết; đòi hỏi sự vào cuộc và triển khai đồng bộ của các sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện có khu công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, để từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, gắn với xây dựng nhà ở công nhân cùng các thiết chế văn hóa, đáp ứng tiêu chí khu công nghiệp đảm bảo sáng, xanh, sạch đẹp.
XÂY DỰNG THÊM 1-2 KHU NHÀ Ở CÔNG NHÂN
Theo Kế hoạch, Thành phố sẽ tiến hành thực hiện các nội dung chỉnh trang trong các khu công nghiệp gồm: rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp; thực hiện cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ trong khu công nghiệp; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được thực hiện hàng năm. Phấn đấu đến năm 2030, các khu công nghiệp của Thành phố xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động; đến năm 2030 toàn bộ các khu công nghiệp của Thành phố đều có nhà ở cho công nhân lao động, kèm theo thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của công nhân lao động trong khu công nghiệp.
UBND TP giao Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng sở, ngành và các quận, huyện có khu công nghiệp rà soát tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện phần hạ tầng chưa xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025. Chủ trì, đôn đốc các đơn vị được giao thực hiện công tác chỉnh trang các khu công nghiệp đang hoạt động; phối hợp với sở, ngành rà soát về nhu cầu nhà ở công nhân, rà soát điều chỉnh quy hoạch, để tạo quỹ đất cho nhà ở công nhân và công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động trong khu công nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% (hoặc 25%) trong những dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, để đề xuất, tham mưu báo cáo UBND TP việc quản lý, sử dụng quỹ đất này hiệu quả, đúng quy định; chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đơn vị liên quan đề xuất bố trí quỹ đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp. Bổ sung kế hoạch sử dụng đất quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quỹ đất dành cho nhà ở công nhân giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm
Sở Xây dựng, phối hợp cùng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Cục Thống kê và UBND quận, huyện có khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.