Theo đề án quản lý nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua và đang trình Chính phủ phê duyệt, trong số 970 ngôi biệt thự do thành phố quản lý, sẽ có 588 biệt thự được bán theo Nghị định 61.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là số phận của những ngôi biệt thự này sẽ ra sao sau khi bán?
Qua khảo sát cho thấy trong số 970 biệt thự do thành phố quản lý, có tới 804 biệt thự được dùng để ở.
Số biệt thự có 1-2 hộ ở chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5%, 90% tổng số biệt thự có từ 5-15 hộ sinh sống, thậm chí có những biệt thự phải chứa tới 35- 50 hộ. Nhiều biệt thự bị hư hỏng, hàng chục năm không được đầu tư, tu sửa.
Về phía người dân, do vẫn là nhà đi thuê, không được sửa chữa, cải tạo, cùng với quan niệm “cha chung không ai khóc”, khiến cho những ngôi biệt thự đó càng nhanh bị xuống cấp.
Theo ý kiến của một số nhà quản lý đô thị, trong khi không quản lý được quỹ nhà này thì buộc phải bán nhà cho dân, bởi vì đây là cách duy nhất để quản lý hiệu quả. Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (cơ quan chủ quản) nhận định: vấn đề bán hay không bán đều là mục đích để quản lý được các nhà biệt thự này.
Việc quản lý được xét trên toàn diện quỹ nhà hiện có chứ không phải chỉ quản lý những nhà không bán. Chính vì vậy thành phố đã đặt ra việc bảo tồn, tôn tạo các biệt thự dựa trên việc xác định các cấp độ.
Theo đề án quản lý nhà biệt thự, biệt thự cấp độ 1 (tức là có giá trị về kiến trúc), bảo tồn nguyên trạng về không gian, hình dáng kiến trúc công trình, diện tích khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng.
Ngoài việc quản lý theo các quy định về nhà ở, đất ở phải thực hiện theo quy định về bảo tồn, tôn tạo.
Với các biệt thự cấp độ 2 cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải bảo đảm các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng. Cấp độ 3: không cần bảo tồn, tôn tạo...
Tuy nhiên, về việc phân loại như trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các kiến trúc sư, các nhà sử học đánh giá về giá trị lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng của các biệt thự này.
Bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng có những biệt thự có giá trị cần bảo tồn sẽ bị xếp vào cấp độ 3. Các biệt thự cổ thường nằm ở những khu phố cũ.
KTS. Ngô Trung Hải, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị nông thôn phân tích: những nguy cơ phá vỡ có thể dẫn đến từ việc thay đổi chủ của các ngôi biệt thự do việc chia tách các gia đình, giá đất cao và nhu cầu kinh doanh các dịch vụ rất lớn hoặc do nhu cầu xây dựng chung cư, trụ sở cơ quan mới cho nên có những khu đất bị xây xem cấy, thậm chí xóa luôn các công trình kiến trúc cũ để thay bằng những công trình mới.
Điều này còn dẫn đến các nguy cơ làm mất đi những đặc trưng của các khu phố cũ, nơi ghi nhận hình ảnh của một giai đoạn lịch sử phát triển của thủ đô.
Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học kiến trúc Hà Nội thì cho rằng: “Cần phải có quy chế để hạn chế việc mua đi bán lại gây thất thoát, bức xúc trong xã hội. Nên chăng thành phố thành lập doanh nghiệp đi thu gom, mua lại các biệt thự để khai thác, sử dụng, cho thuê có hiệu quả...”.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: thành phố cần phải tính được những vấn đề quản lý sau khi bán. Cần phải có sự “vào cuộc” của các nhà chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác, phù hợp.
Khi bán cũng cần công khai toàn bộ các biệt thự, các tiêu chí của biệt thự cần bán, địa chỉ từng căn để mọi người có thể tham gia mua bán một cách khách quan. Từ đó sẽ không bỏ sót những nhà có giá trị lịch sử và bảo đảm việc mua bán được minh bạch...
Đa số các biệt thự này đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, trung tâm của Hà Nội, chính vì vậy một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cũng cho rằng nếu bán thì cũng phải quản lý, cải tạo như thế nào bởi nếu không sẽ tồn tại những ổ chuột ở khu trung tâm...
GS.TS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: trong quá trình chuyển đổi chức năng, chuyển đổi quyền sở hữu từ công sang tư, các biệt thự được bán cho các doanh nghiệp, hầu hết các biệt thự đó bị phá để thay thế những công trình cao ốc, mang lại lợi nhuận cao.
Xu hướng này đang khó ngăn cản nếu không có chính sách cụ thể với các di sản kiến trúc. Do vậy, cùng với việc đánh giá, phân loại, việc xây dựng và ban hành chính sách, thể chế để quản lý, giữ gìn là điều không kém phần quan trọng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate