Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa có văn bản số 2514/STTTT-BCVT gửi các tập đoàn, tổng công ty, công ty cổ phần viễn thông về việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ làm việc trực tuyến, dạy và học từ xa.
Theo văn bản này, trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố vừa qua theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 cùa Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố đã đảm bảo hạ tầng, đường truyền cung cấp dịch vụ viễn thông ổn định, an toàn; cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là làm việc trực tuyến tại nhà, dạy, học từ xa và các nhu cầu thiết yếu khác.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận được một số phản ánh của công dân về việc có hiện tượng nghẽn mạng, ảnh hưởng đến chất lượng học tập từ xa của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Để đảm bảo khắc phục hiện tượng nêu trên, đáp ứng yêu cầu dạy, học từ xa của học sinh, sinh viên trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 20/CT-UBND, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục phối hợp đảm bảo hạ tầng, đường truyền cung cấp dịch vụ viễn thông ổn định, an toàn, đáp ứng yêu cầu làm việc trực tuyến, dạy, học từ xa và các nhu cầu thiết yếu khác của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sở cũng đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, bố trí các trang thiết bị dự phòng, các xe phát sóng lưu động, các phương án truyền dẫn dự phòng, thiết lập các tổ, nhóm kỹ thuật sẵn sàng xử lý sự cố, ứng cứu thông tin và triền khai mở rộng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu phát sinh về dịch vụ viễn thông của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Cùng với đó các nhà mạng mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ làm việc trực tuyến, dạy học từ xa.
Theo chia sẻ của một chuyên gia Internet, nhu cầu băng thông tăng thời gian qua lên gấp nhiều lần lúc bình thường. Ngoài ra, việc đứt cáp biển càng làm cho tình hình khó khăn hơn, do phần lớn các nền tảng học trực tuyến là của nước ngoài, lưu lượng sẽ chạy trên các kênh kết nối quốc tế.
Nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà mạng đã mở thêm các luồng kết nối để bù cho dung lượng bị mất do đứt cáp biển cũng như bổ sung dần để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến do nhu cầu học trực tuyến.