Mới đây, Phó Thủ tướng Chính Phủ Bùi Thanh Sơn ký quyết định số 1578/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến 2.1).
Nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo bao gồm:
Dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5 km gồm 8,9 km đoạn đi ngầm và 2,6 km đoạn đi trên cao, 07 ga ngầm và 03 ga trên cao.
Về phương tiện vận tải, sẽ có 10 đoàn tàu có 4 toa Tc-M-M-Tc, đường sắt đôi khổ 1.435 mm và 01 khu Depot tại Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm diện tích 17,5 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 35.588 tỷ đồng, tương đương 200.744 triệu Yên, tương đương 1.504,97 triệu USD.
Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP): 167.079 triệu Yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tương đương 1.254,78 triệu USD. Vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội: 5.916 tỷ đồng, tương đương 250,19 triệu USD.
Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Dự án sẽ triển khai huy động lại tư vấn chung thực hiện điều chỉnh dự án để UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thi công Dự án từ năm 2025.
Tuyến số 2 tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội.
Tuyến bao gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến 2.1), Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (Tuyến 2.2), Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long (Tuyến 2.3).
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết tuyến đường sắt đô thị không chỉ mang lại lợi ích về giao thông và môi trường mà còn còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và kiến trúc đô thị Thủ đô.
Việc quy hoạch tuyến số 2 kết hợp giữa hướng tâm và vành đai không chỉ tăng khả năng kết nối mà còn giúp phân tán hành khách ra khỏi khu trung tâm, rút ngắn thời gian di chuyển và tối ưu hóa hiệu quả khai thác toàn hệ thống.
Đây là bước đi quan trọng để xây dựng một mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ và bền vững cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.