Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy với Ban cán sự Đảng UBND TP về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP đã trình HĐND TP phê duyệt danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và được HĐND TP phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8/12/2021, với 39 công trình, tổng mức đầu tư dự kiến trên 360.980 tỷ đồng.
Trong đó, có 32 công trình sử dụng vốn ngân sách; 1 công trình chuyển tiếp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BT) hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; 6 công trình đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Trong 32 dự án trọng điểm dự kiến đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố có 8 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 đang triển khai thực hiện; 9 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, 7 dự án được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, 8 dự án chưa có Quyết định giao nhiệm vụ.
Còn trong 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, có 1 dự án do Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tham mưu; 2 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan trước khi tham mưu UBND TP ban hành Quyết định; 1 dự án thành phần đang thực hiện thiết kế cơ sở và công tác giải phóng mặt bằng được khoảng 9/13ha; 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.
Riêng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được triển khai từ giai đoạn trước, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, so với kế hoạch đã đề ra, tiến độ thực hiện dự án trọng điểm hiện vẫn còn chậm. Đoàn giám sát đề nghị UBND TP và các đơn vị liên quan thời gian tới cần đánh giá, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện, đặc biệt phải tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn về chủ trương đầu tư, vốn. Đối với những dự án chậm triển khai cần kiên quyết loại bỏ.
Vể vấn đề này, theo ông Dương Đức Tuấn, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Ngoài ra do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên còn có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng. Từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn.
Đưa ra ý kiến, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, UBND TP đã quyết liệt, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án trọng điểm qua việc xây dựng và ban hành nhiều cơ chế để thực hiện, thành lập 6 tổ công tác thường xuyên giao ban định kỳ để kiểm đếm kết quả, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…
Tuy nhiên nhằm tiếp tục khắc phục những hạn chế, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể để thực hiện. Trong 39 dự án, có dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này, nhưng cũng có dự án sẽ hoàn thành vào giai đoạn sau. Do đó, việc quan trọng nhất là phải cụ thể từng nội dung công việc.
Bên cạnh đó với những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, các đơn vị phải chỉ rõ do tái định cư hay do quy trình thực hiện…; có sự phân công phân nhiệm cụ thể tới từng thành viên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên giao ban kiểm đếm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.