UBND TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488 m2 sàn nhà ở xã hội. Ngoài ra, còn 40 dự án đang triển khai, bao gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với 869.000 m2 sàn; 22 dự án hoàn thành giai đoạn sau 2025 với 1.689.000 m2 sàn.
Bên cạnh đó, thành phố còn giao Sở Xây dựng lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; xem xét thực hiện dự án ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5; và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Các dự án hoàn thành ước bổ sung 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ nhà ở xã hội của Hà Nội.
NHIỀU ĐIỂM BẤT CẬP
Tuy nhiên thành phố cho rằng việc xây dựng nhà xã hội còn nhiều vướng mắc. Trong đó, quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị 51 định số 49/2021/NĐ-CP) còn có điểm bất cập. Nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại thuộc khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội như: Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức…; hoặc dự án nhà ở thương mại có quy mô ≥2ha nhưng diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, để xây dựng nhà ở xã hội. Vì vậy công tác bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún.
Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tiền, thu từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội quy mô sử dụng dưới 10 ha, pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại dự án, nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi nguồn lực tài chính của thành phố cho xây dựng nhà ở xã hội từ vốn ngân sách rất hạn chế.
Mặt khác, đối với trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, tránh sự rườm rà, phức tạp.
Bên cạnh đó, theo thành phố, Luật Nhà ở 2014, Nghị định 49/2021/NĐ-CP 52 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ, hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
KIẾN NGHỊ ĐƯỢC ỦY QUYỀN BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT
Từ những vướng mắc trên, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án, tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố; giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).
Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, cần quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội. Còn đối với khó khăn, vướng mắc về cơ chế, ưu đãi kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể hơn nữa.
Đặc biệt, thành phố kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp, đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.
Liên quan đến mục tiêu đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng với cách làm như hiện nay nếu không có giải pháp đột phá, đề án về tổng thể sẽ không đạt mục tiêu đề ra. Theo ông Lực, điểm nhấn của vấn đề triển khai đầu tư nhà ở xã hội là chính sách, quỹ đất, nguồn vốn. Để giải bài toán nhà ở xã hội, trước tiên cần thay đổi quan điểm về nhà ở xã hội, coi đây là “chính sách kinh tế nhân văn”, tức là có tính chất kinh tế, có sự hấp dẫn nhưng vẫn mang ý nghĩa an sinh xã hội, ngoài ra phải xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản hơn.
Đồng quan điểm, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính, khẳng định với cách làm hiện nay thì xây dựng nhà ở xã hội sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, nên chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân. "Muốn phát triển phân khúc nhà ở xã hội như thời điểm 2010-2016, Nhà nước cần tham gia hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa bằng chính sách, thuế, phí chứ không chỉ hỗ trợ 2-3% lãi suất", chuyên gia nhấn mạnh.