Ngày 14/12, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng.
Theo báo cáo được công bố tại hội nghị, năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành xây dựng đều đạt so với kế hoạch đề ra: tăng trưởng ngành ước đạt 7,8%-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4%-7,3%).
Đây là kết quả cao nhất từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế; Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng đạt 6,4-7,3%, vượt kế hoạch; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26,5m2 sàn/người (đạt kế hoạch); Số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành: 21.000 căn (chưa đạt).
THỊ TRƯỜNG ĐÃ CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Về lĩnh vực quản lý bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2024, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Qua đó, thị trường bất động sản từ đầu năm 2024 đến nay đã có những dấu hiệu tích cực. Tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có những tín hiệu chuyển biến tích cực.
Cụ thể, đã có 76 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 38.701 căn, bằng 108,57% so với cùng kỳ năm 2023 và 192 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 59.336 căn, bằng 102,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, tăng thanh khoản trên thị trường. Tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 137.386 căn, bằng 102,2% cùng kỳ 2023; tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.899 lô, bằng 138,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá bán, khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy trong quý 3 năm 2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Trong đó, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 6% theo quý và 25% theo năm, một số khu vực tăng cục bộ, lên khoảng 35% đến 40% tùy từng vị trí so với quý 2/2024.
TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, CÂN ĐỐI LẠI CUNG – CẦU
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có 51 địa phương đã ban hành, 12 địa phương đang thẩm định để ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đánh giá chung về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2024, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối về cung - cầu, khi nguồn cung chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm tại một số địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Về phía Bộ Xây dựng, sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Đồng thời, thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện nội dung Đề án Hợp nhất 2 Bộ gửi báo cáo Chính phủ. Dự kiến, tên của hai Bộ sau hợp nhất được quyết định là "Bộ Xây dựng và Giao thông".
Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị. Trong đó, Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải có 23 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, còn 25-27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối.