UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Đông Anh 14.794,4m2 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại điểm X5, thôn Bắc để đấu giá quyền sử dụng đất. UBND huyện Đông Anh sẽ liên hệ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhận bàn giao đất trên thực địa; tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án đầu tư được phê duyệt đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu vực.
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục giao 17.891,1m2 đất tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho UBND huyện Đông Anh. Trong đó, có 12.832m2 đất thực hiện xây dựng Trường tiểu học thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung; 5.059,1m2 là đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khớp nối.
UBND huyện Đông Anh chịu trách nhiệm về nguồn gốc, việc sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định; sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích được giao; thực hiện dự án đầu tư, nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định về quản lý công sản…
Tương tự, huyện Thanh Trì cũng được giao 7.903m2 đất tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì thực hiện dự án nâng cấp Trường THCS Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 1869/QĐ-UBND.
Quận Long Biên được giao 70.574,2m2 đất tại phường Ngọc Thụy, phường Thượng Thanh, quận Long Biên thực hiện dự án Xây dựng công viên, hồ tại ô quy hoạch A.3/CXKO phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh, quận Long Biên. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Phương thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Hà Nội cho biết Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động của Thành ủy khóa 17 đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô là: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững”; tập trung quyết liệt để triển khai khâu đột phá là “Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô”.
Để cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trên, Thành ủy đã ban hành các Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, đến nay cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng, cải tạo 62 công viên, vườn hoa, đạt 137,7% so với chỉ tiêu đề ra. Một số công trình tiêu biểu gồm: Công viên Ngọc Thụy, Công viên Long Biên, Công viên Lâm Hạ, Công viên hồ điều hòa CV1, Công viên Mai Dịch, Công viên Thiên văn học, Công viên Âm nhạc, Công viên Mễ Trì và Công viên Phùng Khoang.
Ngoài ra, Hà Nội cũng chỉnh trang một số công viên lớn như Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô để kết nối với không gian đi bộ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tận hưởng không gian xanh. Đáng chú ý, thành phố còn mở rộng thêm một số tuyến phố đi bộ, tạo không gian giao lưu văn hóa, du lịch cho người dân…