Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý 3/2021, đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, việc làm và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
LAO ĐỘNG LÀM THỦ TỤC HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TĂNG 30%
Thông tin về việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2021, trung tâm vừa hỗ trợ người lao động giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Thảo, riêng trong tháng 10, số người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm đông hơn so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Còn tính từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng hơn 53.000 người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, so với các tháng trước, số người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng không nhiều. Điều này một phần do trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, trung tâm vẫn hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua hình thức gián tiếp, gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
Cùng với 15 địa điểm tiếp nhận hồ sơ trên địa bàn khá thuận tiện cho người lao động làm thủ tục, tính chung bình quân so với trước đây, tỷ lệ này tăng khoảng 30%.
“Con số này chưa thể khẳng định mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến người lao động có cao hơn năm ngoái hay không, vì phản ứng của thị trường lao động bao giờ cũng có độ trễ. Thêm nữa, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thiết kế rất linh hoạt, thể hiện vai trò an sinh và có tính bền vững cao, thực hiện nguyên tắc có đóng, có hưởng”, ông Thảo đánh giá.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, người lao động có 3 tháng để nộp hồ sơ. Trong thời gian 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cơ bản những người lao động có đầy đủ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đã chủ động gửi qua đường bưu điện nên sau giãn cách, số người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã phản ánh đúng thực trạng của thị trường lao động.
Hiện trung bình mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận gần 300 người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, con số này không tạo áp lực nhiều như thời điểm sau giãn cách tháng 4/2020.
70% LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP LÀ TỰ NGHỈ
Nếu đánh giá về mức độ, theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thì số lượng hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến thời điểm này thấp hơn so với năm ngoái, là có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả từ phía chính sách.
Trước hết, vừa qua Chính phủ, Quốc hội đã ban hành một loạt gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Chúng tôi cho rằng, những chính sách đó đã phát huy hiệu quả, việc người sử dụng lao động sử dụng các chính sách này vừa vì mục đích phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa nhận định thị trường sau giãn cách sẽ khó tìm kiếm lao động hơn nên họ đã dựa vào những gói an sinh đó giữ chân người lao động. Về phía người lao động, tâm lý sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 họ thường cố duy trì công việc của mình và hạn chế tình trạng nhảy việc”, ông Thảo nhận định.
Lý giải về cơ sở để đưa ra nhận định như vậy, ông Thảo cho biết, qua quan sát về việc thống kê hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong những năm qua, đơn vị này nhận thấy trên 70% người lao động thất nghiệp là do tự xin nghỉ việc nhằm tìm cho mình một công việc tốt, bền vững hơn.
Khi thị trường lao động ở trạng thái bình thường, có nhiều cơ hội tìm công việc tốt hơn thì người lao động cũng sẵn sàng tìm việc khác là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong ảnh hưởng của dịch bệnh, tâm lý người lao động sẽ ngại nhảy việc.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 giảm so với năm 2020. Tuy nhiên con số này không phản ánh mức độ của ảnh hưởng đến nền kinh tế mà do đặc thù, tính chất của thị trường lao động”, ông Thảo đánh giá.
Nhận định về tình hình hưởng bảo hiểm từ nay đến cuối năm, lãnh đạo trung tâm này nói rằng cần phải tiếp tục quan sát, song theo đặc trưng của thị trường lao động trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì càng về giai đoạn cuối năm, người lao động càng ngại nhảy việc.
"Do tính chất trong quan hệ lao động, thời điểm này người lao động có xu hướng giữ việc làm chờ đến Tết để nhận thưởng nên rất ngại nhảy việc. Dù vậy, đây chỉ là nhận định, để có số liệu chính xác thì chúng tôi cần quan sát thêm. Với các năm trước, có thể dễ dàng đưa ra dự báo, nhưng năm 2021 do có một thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh nên rất khó để đưa ra nhận định vào thời điểm này. Thời gian tới khi thu thập thêm số liệu chúng tôi mới có được nhận định khả quan hơn, từ đó đưa ra khuyến cáo đến người lao động”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo nói.